Phát biểu trước báo giới trước khi rời North Carolina để trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Biden khẳng định: "Chúng tôi đã làm những gì cần làm. Tôi tin rằng mọi thứ đang ổn định". 

Khi được hỏi liệu chính phủ đã vận dụng hết các biện pháp đơn phương, mà không thông qua quốc hội, để giải quyết cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực ngân hàng hay chưa, ông Biden cho biết: "Không. Điều này vẫn chưa kết thúc. Chúng tôi vẫn đang theo dõi rất chặt chẽ". Theo ông, cho đến nay, chính quyền đã xử lý "rất tốt" vấn đề căng thẳng trong ngành ngân hàng và chính phủ cũng đang xem xét những thay đổi về lập pháp để đối phó với cuộc khủng hoảng, mặc dù điều này có thể gặp khó khăn trong lưỡng viện quốc hội đang bị chia rẽ.

leftcenterrightdel

 Trụ sở Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) ở Santa Clara, California, Mỹ.

Sự sụp đổ của Ngân hàng Sillicon Valley (SVB) và Signature đã làm suy yếu niềm tin của các nhà đầu tư đối với lĩnh vực ngân hàng, khiến các chỉ số chứng khoán đồng loạt giảm điểm và làm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng tài chính toàn diện. Chính quyền của Tổng thống Biden đã nhanh chóng áp dụng một loạt biện pháp khẩn cấp để bảo vệ người gửi tiền ở hai ngân hàng, trong khi Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (FED) cung cấp thêm thanh khoản để hỗ trợ các ngân hàng trong toàn ngành đáp ứng nhu cầu của người gửi tiền. Việc đạt được thỏa thuận giải cứu ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse tuần trước và việc ngân hàng First Citizens Bancshares mua lại tài sản của SVB trong tuần này đã giúp xoa dịu phần nào những lo ngại, song giới đầu tư vẫn duy trì cảnh giác trước những mối đe dọa tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính. 

Cùng ngày, Thống đốc Ngân hàng trung ương Anh (BoE) Andrew Bailey đã bác bỏ khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính, khẳng định thế giới không trong tình trạng như cuộc khủng hoảng năm 2008.

 

TTXVN