Trong bối cảnh thiếu lao động nghiêm trọng, Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đang thảo luận vấn đề này với Cục Xuất nhập cảnh nhằm bổ sung ngành vận tải ô tô vào danh mục "công nhân lành nghề được chỉ định". Chính phủ đang đặt mục tiêu thực hiện thay đổi chính sách vào cuối năm tài chính hiện nay.
Theo kế hoạch, từ tháng 4-2024, thời gian làm thêm của tài xế xe tải và các tài xế khác sẽ được giới hạn ở mức 960 giờ/năm. Có những lo ngại rằng điều này sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu lao động khi không thể đáp ứng nhu cầu vận chuyển người và hàng hóa.
 |
Ảnh minh họa: TTXVN |
Hiệp hội Vận tải đường bộ Nhật Bản, Hiệp hội xe buýt Nihon và Liên đoàn các hiệp hội taxi-xe thuê Nhật Bản đều nêu trong kế hoạch kinh doanh tài chính 2023 được xây dựng vào mùa Xuân này rằng họ dự định yêu cầu bổ sung thêm nghề tài xế vào danh sách lao động đặc định. Để giải quyết vấn đề, Bộ đang nỗ lực xác định mức độ thiếu hụt lao động và số lượng công dân nước ngoài dự kiến sẽ được tiếp nhận trong 5 năm tới, đồng thời phát triển các bài kiểm tra kỹ năng dành cho người lái xe phù hợp với loại hình kinh doanh, chẳng hạn như bốc xếp hành lý và giao tiếp với khách hàng.
Theo Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, tỷ lệ nhu cầu tuyển dụng làm việc so với người tìm việc đối với tài xế xe tải là cao hơn 2,12 lần tính đến tháng 6 năm nay, trong khi tỷ lệ đối với tài xế xe buýt là 2,10 lần và tài xế taxi là 3,95 lần, vượt xa mức bình quân tất cả các ngành nghề là 1,12 lần.
Cần phải có bằng lái xe của Nhật Bản để làm tài xế và "Giấy phép loại 2" là bắt buộc đối với xe buýt và taxi chở hành khách. Các bài kiểm tra chỉ được thực hiện bằng tiếng Nhật, đây là một trở ngại đối với người nước ngoài. Các chuyên gia đề nghị xem xét cách hỗ trợ người nước ngoài gặp rào cản ngôn ngữ khi thi lấy bằng lái loại 2 và cách đảm bảo lái xe an toàn. Một số người cho rằng nên thiết lập một hệ thống đào tạo cho lái xe nước ngoài, nhưng cách thức để thiết lập một hệ thống như vậy vẫn còn là một vấn đề.
Chính phủ Nhật Bản đặt ra mức trần tuyển dụng 345.150 lao động nước ngoài trong 12 lĩnh vực, trong đó có cả chăm sóc điều dưỡng và xây dựng, trong 5 năm kể từ năm tài chính 2019 - thời điểm hệ thống visa kỹ năng đặc định được thiết lập. Chính phủ dự định sẽ đưa ra quyết định mới về giới hạn trên sau năm tài chính 2024 tại cuộc họp nội các vào cuối tài khóa này, dựa trên hồ sơ nghiệm thu 5 năm của từng lĩnh vực.
Cho đến nay, tư cách visa đặc định chưa bổ sung thêm ngành nghề nào. Một quan chức cơ quan nhập cư cho biết: “Ý tưởng không phải là thuê người nước ngoài với giá rẻ mà là để tạo ra một môi trường làm việc đôi bên cùng có lợi cho cả người Nhật và người nước ngoài”. Trong bối cảnh lực lượng lao động trong nước của Nhật Bản đang thiếu hụt vì dân số giảm, nhiều khả năng xu hướng tìm kiếm nguồn nhân lực nước ngoài sẽ tăng tốc.
TTXVN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.