TASS đưa tin, ngày 28-5, Đại sứ Andrey Kelin đã trả lời phỏng vấn hãng BBC của Anh. Tại cuộc phỏng vấn, Đại sứ Andrey Kelin cho biết, Moscow sẵn sàng hòa đàm chấm dứt xung đột với Kiev, nhưng tất nhiên là với một số điều kiện cụ thể. “Đối với Nga, có hai điều kiện quan trọng”, ông Andrey Kelin nêu rõ.

Theo Đại sứ Andrey Kelin, hai điều kiện đó bao gồm: Thứ nhất, sẽ không có mối đe dọa nào từ Ukraine đối với Nga. Thứ hai là người Nga ở Ukraine sẽ được đối xử bình đẳng như tất cả công dân từ các quốc gia khác trên thế giới.

Đại sứ Nga tại Anh Andrey Kelin. Ảnh: PA 

“Giống như người Pháp được đối đãi ở Bỉ hoặc như người Italy và người Đức được đối đãi ở Thụy Sĩ”, Đại sứ Andrey Kelin nói thêm.

Mặt khác, nhà ngoại giao Nga bày tỏ quan ngại về những diễn biến ở Ukraine trong những năm gần đây như “chủ nghĩa dân tộc cực đoan”.

Ông Andrey Kelin khẳng định hòa bình có thể sớm đạt được nếu phía Ukraine sẵn sàng đàm phán. Tuy nhiên, ông nhận định rằng hiện chưa có tiền đề cho điều này, đồng thời bác bỏ quan điểm cho rằng Ukraine có thể chiếm ưu thế.

Mặt khác, Đại sứ Andrey Kelin cũng không tin rằng việc chỉ dừng xung đột là một ý tưởng tốt vì điều đó không tạo nền tảng cho nền hòa bình ổn định và lâu dài ở châu Âu.

“Moscow không có ý định sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine”, TASS trích lời ông Andrey Kelin tái khẳng định. Tuy nhiên, ông lo ngại về tình trạng xung đột không ngừng leo thang, đề cập tới các hoạt động cung ứng vũ khí cho Kiev đang được tăng tốc.

Trước đó, ngày 27-5, TASS có cuộc phỏng vấn với Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Mikhail Galuzin. Tại phỏng vấn, Thứ trưởng Mikhail Galuzin cho biết, Moscow tin chắc rằng một giải pháp hòa bình sẽ chỉ khả thi nếu Ukraine ngừng giao tranh và các chuyến viện trợ vũ khí của phương Tây dừng lại. Ngoài ra, ông cũng nhấn mạnh rằng, để đạt được hòa bình lâu dài, Ukraine “phải trở lại tình trạng trung lập, không liên minh” và “từ chối gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU)”.

Đồng thời, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nga nói thêm rằng, Ukraine nên công nhận “thực tế lãnh thổ mới” sau khi người dân thực hiện các quyền tự quyết của mình, ý nói đến 4 khu vực ở Ukraine mà Moscow tuyên bố sáp nhập, cũng như Crimea. Hiện chính quyền Kiev không công nhận các cuộc trưng cầu dân ý dẫn đến việc sáp nhập này và coi những vùng nói trên vẫn thuộc lãnh thổ của Ukraine.

Thời gian gần đây, nhiều nước tuyên bố sẵn sàng làm trung gian nhằm chấm dứt xung đột giữa Nga và Ukraine. Đặc biệt, Trung Quốc, Brazil và Nam Phi đã hoặc sẽ cử đại diện đến Moscow và Kiev để thúc đẩy kế hoạch tiến trình đàm phán hòa bình.

Vào giữa tuần trước, TASS cho hay, khi được hỏi kế hoạch hòa giải nào do các nước đưa ra sẽ tốt hơn cho Nga và liệu Moscow có phương án của riêng mình hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov tuyên bố, vẫn còn quá sớm để bàn về một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột ở Ukraine. “Điều này khó có thể xảy ra, bởi Kiev đã ngăn chặn bất kỳ cuộc đàm phán nào với Moscow”, TASS dẫn lời ông Dmitry Peskov.

Tháng 10-2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ký sắc lệnh bác khả năng đàm phán với Tổng thống Nga Vladimir Putin.

MINH ANH (theo TASS, BBC)