Theo AFP, ngày 27-5, một nguồn tin trong Chính phủ Đức cho biết hàng trăm công chức Đức làm việc trong các lĩnh vực giáo dục và văn hóa sẽ phải rời khỏi Nga theo yêu cầu của phía Moscow. Động thái cứng rắn này tiếp sau việc Nga buộc Berlin phải cắt giảm số nhân viên ngoại giao và sự hiện diện của họ tại các tổ chức công như Viện Goethe và trường học Đức tại Moscow từ đầu tháng 6 tới, nhằm đáp trả hành động trục xuất các nhà ngoại giao Nga của Berlin.  

Báo Suddeutsche Zeitung của Đức cùng ngày dẫn các nguồn tin cho biết Moscow quyết định giới hạn số nhân viên trong các tổ chức của Đức tại Nga ở mức 350 người, qua đó buộc hàng trăm người Đức phải rời khỏi Nga trước tháng 6. Theo báo này, Moscow tin rằng số nhân viên của Chính phủ Đức tại Nga nhiều gấp đôi số nhân viên của Nga tại Đức.

leftcenterrightdel
Viện Goethe là tổ chức văn hóa phi lợi nhuận tại Đức hoạt động trên phạm vi toàn cầu (ảnh minh họa). Ảnh: DPA 


Một ngày trước đó, theo RT, Nga cũng có phản ứng gay gắt với Anh sau khi Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố không loại trừ biện pháp cắt quan hệ ngoại giao với Anh vì cho rằng London “can dự đáng kể” vào xung đột Ukraine. Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Nga biết rõ những nỗ lực hỗ trợ quân sự cho Ukraine của London. Sự hỗ trợ của Anh bao gồm cung cấp khí tài sản xuất trong và ngoài nước cho Ukraine, huấn luyện quân đội Ukraine ở Anh và châu Âu, chia sẻ thông tin tình báo, hỗ trợ tư vấn và có khả năng tham gia lên kế hoạch tác chiến của quân đội Ukraine. Theo Bộ Ngoại giao Nga, cắt quan hệ với Anh là biện pháp rất cực đoan, nhưng không thể loại trừ do sự dính líu của London vào xung đột Ukraine.

Bộ Ngoại giao Nga đưa ra tuyên bố trên sau khi báo The Wall Street Journal đưa tin lực lượng đặc nhiệm Anh đang hoạt động rất gần chiến tuyến ở Ukraine và có ảnh hưởng rất lớn tới các hoạt động phá hoại bên trong lãnh thổ Nga, dù họ không trực tiếp tham chiến.

Đây không phải lần đầu tiên Nga phản ứng mạnh mẽ với Anh liên quan đến cuộc chiến Ukraine. Hồi năm ngoái, Nga đã triệu Đại sứ Anh tại Moscow Deborah Bronnert sau vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào các tàu Nga ở cảng Sevastopol. 

Từ khi chiến sự Ukraine bùng phát, Anh là nước cung cấp viện trợ quân sự lớn thứ hai cho Kiev, sau Mỹ. Cho đến nay, Anh đã cam kết hỗ trợ quân sự trị giá 5,6 tỷ USD. Anh cùng các đồng minh cũng đang tổ chức chương trình huấn luyện, nhằm đào tạo 30.000 quân nhân Ukraine vào cuối năm 2023.

Cũng trong ngày 26-5, Nga đã triệu tập hàng loạt nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Mỹ để phản đối các bình luận “không thể chấp nhận được” từ Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan về các cuộc tập kích của Ukraine vào lãnh thổ Nga. Theo Reuters, Moscow cho rằng bình luận của ông Sullivan đã chứng tỏ những lần Mỹ tuyên bố trước đó rằng họ không khuyến khích Ukraine tấn công lãnh thổ Nga là “giả tạo và không chân thành”. Nga còn cáo buộc Ukraine đang sử dụng vũ khí và thiết bị do Mỹ cung cấp để thực hiện “các hành động khủng bố”.

Nga cho biết các hành động thù địch từ Mỹ đã đẩy quan hệ song phương vào một cuộc khủng hoảng sâu sắc và nguy hiểm, với những hậu quả khó đoán. Moscow cũng cảnh báo “đáp trả cứng rắn với mọi hình thức gây hấn với Nga”.

Trong cuộc phỏng vấn với CNN ngày 21-5 trước đó, ông Sullivan được hỏi về việc Ukraine có nên sở hữu vũ khí có thể tấn công các mục tiêu Nga ở bán đảo Crimea hay không. Khi đó, ông Sullivan trả lời rằng: “Chúng tôi không đặt ra hạn chế với việc Ukraine tập kích trên lãnh thổ nước này, trong biên giới được quốc tế công nhận. Điều chúng tôi từng nói là không cho phép Ukraine sử dụng các hệ thống của Mỹ, của phương Tây để tấn công lãnh thổ Nga. Và chúng tôi tin Crimea là của Ukraine”. Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ năm 2014, sau khi tổ chức trưng cầu dân ý. Ukraine cùng phương Tây không công nhận kết quả trưng cầu, cho rằng Nga dàn dựng cuộc bỏ phiếu. Ukraine coi bán đảo Crimea là một phần lãnh thổ và tuyên bố sẽ tìm cách giành lại.

Thời gian qua, Nga nhiều lần cáo buộc quân đội Ukraine dùng máy bay không người lái và xuồng tự sát tập kích hạ tầng bán đảo, nhưng Kiev không nhận trách nhiệm liên quan đến các sự việc này. Hạm đội Biển Đen của Nga đang bổ sung nhiều biện pháp phòng vệ tại Crimea để đối phó.

XUÂN PHONG