Theo Tân Hoa xã, ngày 26-4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tiến hành điện đàm. Đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Ukraine kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào đầu năm ngoái.

Tân Hoa xã cho biết, tại điện đàm, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh rằng, đối thoại và đàm phán là giải pháp khả thi duy nhất cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine, và rằng không ai thắng trong trường hợp một cuộc chiến tranh hạt nhân xảy ra.

Đồng thời, ông Tập Cận Bình cho biết thêm Trung Quốc sẽ cử một đặc phái viên của chính phủ nước này về các vấn đề Á-Âu đến thăm Ukraine và những quốc gia khác để tiến hành trao đổi sâu rộng với tất cả các bên nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Cùng lúc, ông cũng khẳng định lập trường của Bắc Kinh là thúc đẩy hòa bình thông qua đàm phán. Bên cạnh đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn trao đổi quan điểm về quan hệ Trung Quốc-Ukraine.

Đáp lại, theo Reuters, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết, ông đã có cuộc điện đàm “dài và ý nghĩa” với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. “Cuộc điện đàm này cũng như việc bổ nhiệm Đại sứ Ukraine tại Trung Quốc sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho sự phát triển mối quan hệ song phương”, Reuters trích tuyên bố của Tổng thống Ukraine trên trang Twitter cá nhân.

Sau cuộc điện đàm này, trong ngày 26-4, đại diện quan chức nhiều nước và tổ chức cũng như giới phân tích chính trị đã ra các tuyên bố hoan nghênh liên quan.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vừa có cuộc điện đàm. Ảnh: WION

Theo TASS, phản ứng trước cuộc điện đàm giữa ông Tập Cận Bình và ông Zelensky, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Moscow ghi nhận việc Bắc Kinh sẵn sàng nỗ lực thiết lập một tiến trình đàm phán ý nghĩa. Tuy nhiên, bà Zakharova nói thêm rằng cho đến nay, chính quyền Kiev đã bác bỏ mọi sáng kiến hợp lý nhằm tìm kiếm một giải pháp chính trị và ngoại giao cho cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Theo CNN, Mỹ hoan nghênh cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky diễn ra cùng ngày, nhưng cho rằng còn quá sớm để nhận định liệu sự kiện này có dẫn đến một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine hay không. “Chúng tôi nghĩ rằng cuộc điện đàm này là một điều tốt”, CNN dẫn nhận định của người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby.

Pháp cũng tuyên bố ủng hộ đối thoại nhằm chấm dứt cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga. Theo AFP, một quan chức giấu tên tại Phủ Tổng thống Pháp cho biết Paris khuyến khích mọi đối thoại có thể góp phần giải quyết cuộc xung đột phù hợp với luật pháp quốc tế. Mặt khác, quan chức trên nhấn mạnh, đây cũng là thông điệp mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đưa ra trong chuyến thăm Trung Quốc hồi đầu tháng này.

Về phần mình, theo South China Morning Post, người phát ngôn Ủy ban châu Âu (EC) Eric Mamer cho biết cuộc điện đàm là bước đầu tiên quan trọng của Trung Quốc trong việc thực hiện trách nhiệm của mình với tư cách là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Cũng theo South China Morning Post, trên trang Twitter cá nhân, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö nhấn mạnh cuộc điện đàm này là một tin tốt đẹp; trong khi đó Chủ tịch Ủy ban các vấn đề châu Âu của Quốc hội Pháp Pieyre-Alexandre Anglade đánh giá cuộc điện đàm là bước đầu tiên hướng tới hòa bình ở Ukraine.

Ngoài ra, bà Rorry Daniels, Giám đốc điều hành Viện nghiên cứu chính sách xã hội châu Á có trụ sở ở New York (Mỹ) cho rằng cuộc điện đàm dường như đã đặt nền móng cho liên lạc thường xuyên hơn giữa các quan chức Trung Quốc và Ukraine. “Trung Quốc muốn cho châu Âu thấy rằng họ có thể đóng vai trò mang tính xây dựng hơn trong các vấn đề quan trọng nhất đối với người dân châu Âu. Đồng thời, Bắc Kinh muốn thể hiện rằng họ đã sẵn sàng, thiện chí và có thể làm trung gian cho một tiến trình đối thoại”, South China Morning Post dẫn đánh giá của bà Daniels.

Nhận định về kết quả điện đàm của các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Ukraine, theo CNN, nhà nghiên cứu Rajan Menon tại tổ chức tư vấn chính sách Defense Priorities (Mỹ) cho rằng cuộc điện đàm chứng tỏ Trung Quốc quyết tâm góp phần thực hiện các bước cụ thể theo hướng hòa giải đối với cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Hồi tháng 2-2023, Trung Quốc đề xuất văn kiện 12 điểm phác thảo lộ trình hòa bình cho Ukraine, trong đó tuyên bố ủng hộ chủ quyền của mọi quốc gia theo luật pháp quốc tế, phản đối sử dụng vũ khí hạt nhân hay vũ khí hủy diệt hàng loạt, phản đối các lệnh cấm vận đơn phương không được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc thông qua. Nga, Belarus ủng hộ đề xuất, nhưng các nước phương Tây cho rằng kế hoạch này phản ánh chưa đầy đủ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Trong khi đó, Kiev chưa bày tỏ quan điểm rõ ràng mà muốn thảo luận thêm với Bắc Kinh.

MINH ANH (tổng hợp)