Theo AP, phát biểu trong buổi họp báo chung tại Điện Elysee, Tổng thống Biden khẳng định, Paris là đồng minh lâu năm nhất và là một trong những đồng minh thân thiết nhất của Washington. Trong bối cảnh an ninh khu vực và thế giới đang đối mặt với nhiều thách thức, liên minh Mỹ-Pháp càng phải được tăng cường, thúc đẩy. Tổng thống Mỹ đồng thời cho biết, sau chuyến thăm lần này, hai bên sẽ cùng phối hợp trong các vấn đề an ninh toàn cầu và giải quyết những mâu thuẫn thương mại trước đây.

Về phần mình, Tổng thống Macron khẳng định, liên minh giữa hai nước chia sẻ quan điểm chung và hai bên đã cùng đưa ra nhiều quyết định quan trọng. Trong khuôn khổ làm việc, hai bên thảo luận về tình hình ở Ukraine, việc thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn ở dải Gaza nhằm hỗ trợ người dân trở về nhà và giải cứu con tin, cũng như một số vấn đề song phương cùng quan tâm. Mặt khác, nhân dịp này, Tổng thống Pháp ca ngợi lòng nhiệt thành của ông Biden đối với châu Âu, đề cao Mỹ là một đối tác yêu mến và tôn trọng “lục địa già”.

leftcenterrightdel
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại buổi họp báo chung. Ảnh: Reuters 

Hai trong số những nội dung chính và được dư luận quan tâm tại hội đàm giữa Tổng thống Mỹ và người đồng cấp Pháp là cuộc xung đột Nga-Ukraine và tình hình Trung Đông. Tuyên bố của Nhà Trắng cho biết, hai bên tái nhấn mạnh sự ủng hộ dành cho Ukraine và trao đổi các biện pháp thúc đẩy hỗ trợ chính quyền Kiev. Hai bên đồng chủ trì liên minh pháo binh tại Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine (UDCG)-gồm khoảng 50 quốc gia thường xuyên tiếp xúc để thảo luận về nhu cầu an ninh của Kiev, cũng như cam kết “tiếp tục cung cấp hỗ trợ chính trị, an ninh, nhân đạo và kinh tế cho Ukraine”.

Tuy nhiên, hai bên vẫn chưa thống nhất kế hoạch sử dụng tài sản bị phong tỏa của Nga để giúp đỡ Kiev. Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ tiết lộ, Washington và các đồng minh đã đạt được tiến bộ trong vấn đề này và nhiều khả năng một thỏa thuận chính thức sẽ đạt được tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) dự kiến diễn ra từ ngày 13 đến 15-6 tại Italy. Trong khi đó, Mỹ và Pháp cũng kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở dải Gaza, nhắc lại rằng tất cả con tin phải được thả ngay lập tức mà không cần điều kiện tiên quyết, cũng như tái khẳng định cam kết đối với giải pháp hai nhà nước trong quan hệ giữa Israel và Palestine.

Việc củng cố, nâng cao sức mạnh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cũng được lãnh đạo Mỹ và Pháp quan tâm.

Hai bên tái khẳng định cam kết bảo vệ lẫn nhau với tư cách là thành viên NATO; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường quan hệ đối tác chiến lược NATO-Liên minh châu Âu (EU); nhất trí thúc đẩy nền quốc phòng châu Âu mạnh mẽ hơn và có năng lực hơn, làm nền tảng cho trụ cột an ninh xuyên Đại Tây Dương của châu lục này. Bên cạnh đó, hai nhà lãnh đạo còn thảo luận từ hợp tác song phương trên các lĩnh vực quốc phòng, an ninh, năng lượng sạch, năng lượng hạt nhân sử dụng cho mục đích dân sự, không gian, giao thông vận tải... cho đến hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, biến đổi khí hậu, trí tuệ nhân tạo, chuỗi cung ứng.

Đánh giá về chuyến thăm, AP dẫn lời nhà phân tích Max Bergmann đến từ Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washington nêu rõ, bất chấp một số khác biệt, mối quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Pháp luôn bền chặt qua thời gian. Và đây là thời điểm quan trọng để hai bên một lần nữa khẳng định điều đó.

VĂN HIẾU

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.