Tuyên bố của Văn phòng Thủ tướng Israel nêu rõ: “Sau lời đề nghị từ Mỹ và các bên trung gian, Israel sẽ cử phái đoàn đàm phán đến địa điểm được xác định vào ngày 15-8 nhằm hoàn thiện các chi tiết và triển khai thỏa thuận khung”.
Trước đó, các nhà lãnh đạo Mỹ, Ai Cập và Qatar đã kêu gọi Israel và phong trào Hamas cùng ngồi vào bàn đàm phán nhằm hoàn tất lệnh ngừng bắn ở Gaza và thỏa thuận trao trả con tin. 3 quốc gia vốn đang cố gắng làm trung gian cho một thỏa thuận hòa bình đã ra tuyên bố chung, trong đó nhấn mạnh đã đến lúc ký kết một thỏa thuận ngừng bắn cũng như trao đổi con tin và tù nhân. Theo Reuters, các cuộc đàm phán về lệnh ngừng bắn có thể diễn ra tại Doha hoặc Cairo.
 |
Cảnh đổ nát sau vụ không kích của Israel vào một trường học ở Gaza ngày 8-8. Ảnh: The New York Times
|
"Một thỏa thuận khung hiện đang được đưa ra thảo luận, chỉ còn lại các chi tiết về việc thực hiện để đi đến kết luận. Không còn thời gian để lãng phí hay có lý do nào để trì hoãn thêm nữa. Đã đến lúc hai bên thả con tin, bắt đầu lệnh ngừng bắn và thực hiện thỏa thuận này", đại diện các nhà hòa giải cho biết.
Về phía Hamas, lực lượng này chưa đưa ra bình luận ngay lập tức. Tuy nhiên, khả năng đạt được thỏa thuận ngừng bắn được cho là còn khá bấp bênh khi tân thủ lĩnh chính trị của phong trào Hamas Yahya Sinwar hôm 8-8 thông báo với các nhà trung gian Ai Cập lập trường không khoan nhượng đối với những điểm bế tắc cản trở thỏa thuận ngừng bắn, bao gồm cả việc Israel phải rút quân hoàn toàn khỏi Gaza.
Những nguồn tin thân cận với các nhà hòa giải cho biết, ngay sau khi được bổ nhiệm, ông Sinwar đã liên lạc với các nhà trung gian Ai Cập để truyền đạt thông điệp của mình về thỏa thuận ngừng bắn, trong đó có một số điều kiện như Israel phải rút quân hoàn toàn khỏi Gaza, trả tự do cho các nhân vật Palestine cấp cao bị giam giữ. Ngoài ra, tân thủ lĩnh chính trị Hamas còn thông báo với phía Cairo rằng ông “hoàn toàn phản đối” việc chính quyền Palestine điều hành dải Gaza sau xung đột, cũng như bác bỏ khả năng triển khai lực lượng đa quốc gia ở vùng lãnh thổ này trong giai đoạn hậu xung đột để duy trì an ninh cho đến khi các cuộc bầu cử được tổ chức.
Ngày 6-8, phong trào Hamas của Palestine chính thức tuyên bố ông Yahya Sinwar là người đứng đầu văn phòng chính trị của phong trào này, sau khi thủ lĩnh Ismail Haniyeh bị ám sát tại thủ đô Tehran của Iran vào ngày 31-7. Ông Sinwar được cho là "kiến trúc sư" trong cuộc tấn công tàn khốc nhất vào miền Nam Israel do Hamas thực hiện hồi tháng 10-2023. Giới quan sát nhận định ông là người có lập trường cứng rắn và thường kêu gọi các cuộc tấn công chống lại Israel. Việc ông trở thành thủ lĩnh chính trị của Hamas có thể cản trở tiến trình đàm phán vốn đã căng thẳng vì lập trường cứng rắn của nhân vật này.
Hiện tình hình khu vực Trung Đông đang trở nên căng thẳng chưa từng có sau hai vụ ám sát nhằm vào các quan chức cấp cao của phong trào Hamas tại dải Gaza và lực lượng Hezbollah ở Lebanon. Cộng đồng quốc tế đã lên tiếng kêu gọi các bên kiềm chế và ngồi vào bàn đàm phán, tránh để xảy ra những hành động leo thang căng thẳng có thể đẩy Trung Đông vào cuộc xung đột lớn hơn.
Ngày 8-8, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Iran Masoud Pezeshkian. Trong cuộc điện đàm, Thủ tướng Meloni nhấn mạnh sự cần thiết phải ngăn chặn cuộc xung đột hiện nay ở Gaza lan rộng, đồng thời cho rằng các bên cần mở lại con đường đối thoại.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã điện đàm với người đồng cấp Israel Yoav Gallant, thảo luận các bước đi của nước này tại Trung Đông nhằm bảo vệ đồng minh. Theo AFP, trong cuộc điện đàm, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza nhằm trả tự do cho các con tin. Bên cạnh đó, hai bên cũng thảo luận về việc triển khai thêm các hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo và sự xuất hiện của phi đội tiêm kích tàng hình F-22 Raptor của Mỹ tại khu vực Trung Đông trong ngày 8-8. Đây là một phần của nỗ lực mà Washington thực hiện nhằm bảo vệ Israel và các lực lượng Mỹ trong khu vực.
Cùng ngày, một quan chức cấp cao của Mỹ cảnh báo khó có khả năng đạt được một thỏa thuận giữa các bên vào tuần tới, bởi giữa Israel và Hamas còn tồn tại nhiều khúc mắc lớn. Quan chức này cũng cảnh báo Iran sẽ phải đối mặt với "hậu quả nghiêm trọng" nếu nước Cộng hòa Hồi giáo tấn công Israel, đồng thời cho rằng bước leo thang căng thẳng này sẽ là mối đe dọa đối với bất kỳ hy vọng nào về thỏa thuận ngừng bắn tại Gaza.
NGỌC HÂN
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.