Theo Tân Hoa xã, nhận lời mời của Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường, Thủ tướng Đức Olaf Scholz bắt đầu thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 14 đến 16-4. Trong chuyến thăm, Thủ tướng Scholz sẽ hội kiến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hội đàm với Thủ tướng Lý Cường tại Bắc Kinh, thăm TP Thượng Hải và Trùng Khánh, nơi có nhiều doanh nghiệp Đức đang đầu tư kinh doanh.

Politico nhận định, đây là chuyến công du nước ngoài dài nhất và quan trọng nhất của Thủ tướng Scholz kể từ khi nhậm chức cuối năm 2021. Đối với vị thủ tướng đang bị bao vây bởi tỷ lệ ủng hộ thấp kỷ lục và một liên minh cầm quyền không mấy dễ chịu, chuyến công du không chỉ là cơ hội chứng minh nhà lãnh đạo Đức đã gây dựng được vị thế toàn cầu, mà còn để cử tri Đức thấy rằng Thủ tướng Scholz “sẽ làm mọi điều cần thiết vì sự phát triển của nước Đức”.

leftcenterrightdel

Tàu hàng Cosco Shipping Gemini của Tập đoàn vận tải Trung Quốc Cosco tại cảng Hamburg, Đức. Ảnh: Reuters 

Tháp tùng Thủ tướng Scholz có lãnh đạo một số tập đoàn hàng đầu của Đức như Siemens, Mercedes-Benz, BMW, Merck KGaA...

"Mục tiêu quan trọng nhất của chuyến thăm là thiết lập cơ sở vững chắc cho hợp tác và trao đổi song phương. Chúng tôi kỳ vọng hai bên có thể đạt được sự hiểu biết lẫn nhau về các lĩnh vực cùng quan tâm", Maximilian Butek, thành viên Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức tại Trung Quốc nói với Global Times.

Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Đức trong khi Đức là nhà đầu tư EU lớn nhất vào Trung Quốc, với mức đầu tư kỷ lục 12 tỷ euro vào năm 2023.

Global Times cũng dẫn lời nhà nghiên cứu Zhao Junjie ở Viện Nghiên cứu châu Âu, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc cho hay, trong bối cảnh nước Đức đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng từ cả bên trong và bên ngoài, chuyến thăm của Thủ tướng Scholz tới Trung Quốc có ý nghĩa chính trị rất quan trọng.

Thời gian qua, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Berlin sụt giảm, đối nghịch với tỷ lệ lạm phát cao, thiếu nhân công trầm trọng, cũng như xu hướng di dời nhà máy khỏi nước Đức của ngành sản xuất công nghiệp-vốn là thế mạnh của kinh tế Đức-kể từ sau cuộc khủng hoảng năng lượng và gia tăng chi phí sản xuất trong nước.

Khi cuộc bầu cử quốc gia tiếp theo chỉ còn hơn một năm nữa sẽ diễn ra, nhà lãnh đạo của “cỗ máy kinh tế đang lao đao của EU” sắp hết thời gian để tạo ra phép màu kinh tế cũng như đảo ngược tình thế khó khăn của chính phủ do ông đứng đầu. Trong khi đó, từ năm ngoái, “nối gót” Washington, EU đưa ra quan điểm “giảm rủi ro”, giảm sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, “giảm hợp tác, tăng cạnh tranh” với Bắc Kinh, nhất là sau khi Mỹ “tiếp tục thổi phồng những thách thức mà nền kinh tế Trung Quốc đặt ra cho Mỹ và châu Âu” và tuyên bố điều tra các công ty EU mua chip bán dẫn của Bắc Kinh.

“Thay vì bị dẫn dụ bởi một số phe phái kêu gọi tìm cách thoát khỏi sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, cũng như các phương tiện truyền thông phương Tây vốn có định kiến với Bắc Kinh, Thủ tướng Scholz thấy rõ việc thúc đẩy con đường ngoại giao nhằm cân bằng lợi ích song phương với Trung Quốc là cách thức giúp ông giải quyết những thách thức cả bên trong và bên ngoài”, nhà nghiên cứu Zhao Junjie nhận định. 

Trên China Daily, ông Ding Chun, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu châu Âu của Đại học Phúc Đán (Thượng Hải) cho hay, dù là xung đột địa chính trị toàn cầu, xung đột Nga-Ukraine, Israel-Hamas, biến đổi khí hậu hay mất an ninh lương thực, những vấn đề này “đều không thể giải quyết nếu không có sự tham gia của Trung Quốc. Với tư cách là một quốc gia chủ chốt ở châu Âu, Đức tin rằng việc liên lạc trực tiếp với Trung Quốc là vô cùng quan trọng".

Theo giới quan sát, tính coi trọng hiệu quả thực tế sẽ giúp Berlin vượt qua những rào cản được dựng lên bởi chính các đồng minh phương Tây, cũng như vượt qua xung đột ý thức hệ, và quan trọng hơn, với vai trò dẫn dắt trong EU, việc Berlin xích lại gần hơn với Bắc Kinh sẽ tạo ra hiệu ứng lan tỏa, làm cầu nối góp phần “phát triển lành mạnh quan hệ Trung Quốc-EU”.

HÀ PHƯƠNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.