Tính đến thời điểm hiện tại, trận động đất vừa qua đã cướp đi mạng sống của ít nhất 31.643 người dân ở Thổ Nhĩ Kỳ và 4.614 người dân Syria. Đây được coi là một trong những trận động đất nguy hiểm nhất trong lịch sử nước này.

* “Tiếng kêu cứu luôn văng vẳng bên tai tôi”

Hằng đêm, mỗi khi nhắm mắt lại, Abdulrahman Al-Dahhan lại nghe thấy tiếng la hét cầu cứu của bạn bè và gia đình ở Syria.

Các thành viên của Lực lượng Phòng vệ dân sự Syria, được gọi là Mũ bảo hiểm trắng, đang đưa một nạn nhân ra khỏi đống đổ nát của các tòa nhà ở làng Azmarin thuộc tỉnh Idlib, Syria. Ảnh: CNN.

Những tin nhắn thoại ghi lại những tiếng la hết cầu cứu khiến anh ấy không thể ngủ được. Anh bị ám ảnh bởi tiếng khóc của người thân khiến hằng đêm anh luôn nằm thao thức với cảm giác tội lỗi dày vò. Sự lo lắng bao trùm mỗi khi anh nhắm mắt lại, cảnh tượng hàng nghìn người dân ở quê nhà Syria vẫn bị chôn sống dưới đống đổ nát lại hiện lên tâm trí.

Al-Dahhan, 31 tuổi, chia sẻ với CNN: “Khi sự việc xảy ra, tôi liên tục nhận được tin nhắn thoại, mỗi tin nhắn là một người đang kêu khóc cầu cứu, họ nói rằng họ đang nhìn thấy những người chết xung quanh mình. Tiếng kêu cứu luôn văng vẳng bên tai tôi”.

* “Tôi còn lại gì?”

Hãng thông tấn AP đưa tin, hàng nghìn người mất nhà cửa sau trận động đất lớn xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria một tuần trước giờ đây đang phải chen chúc trong những chiếc lều đông đúc hoặc xếp hàng trên đường phố để nhận những bữa ăn cứu trợ tại thị trấn Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ.

Một người phụ nữ nấu ăn bên cạnh chiếc lều mà cô và gia đình dùng làm nơi trú ẩn ở Adiyaman, miền Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: AP.

Một người sống sót tên Zehra Kurukafa cho biết, vì không có đủ lều cho những người vô gia cư, các gia đình buộc phải chia sẻ những chiếc lều có sẵn. Kurukafa nói: “Chúng tôi ngủ trong bùn, cùng với hai, ba, thậm chí bốn gia đình.

Tại thành phố Adiyaman, Musa Bozkurt, 25 tuổi, đang chờ xe tới chở anh và những người khác đến thành phố Afyon, phía Tây Thổ Nhĩ Kỳ. “Chúng tôi sẽ đi xa, nhưng chúng tôi không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo,” Bozkurt nói. “Tôi không có mục tiêu nào cả, kể cả có, thì tôi cùng không còn cha hay chú nữa. Tôi còn lại gì đây?”

* Ngọn lửa thiêu rụi mọi tia hy vọng

Sau trận động đất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ vào tuần trước, em gái của Erdem Avsaroglu, chồng và hai đứa con của cô đã bị mắc kẹt trong đống đổ nát của khu chung cư bị sập ở Antakya.

Vào thời điểm đó, họ vẫn còn sống và có thể trò chuyện với những người cứu hộ. Tuy nhiên, phép màu đã không xảy đến sau khi một đám cháy bùng phát vào một ngày rưỡi sau đó, ở sâu bên trong đống đổ nát. Nguyên nhân có thể xuất phát từ một máy phát điện. Sau đám cháy, không còn âm thanh nào cũng không còn tiếng người phát ra từ đống đổ nát. Gần năm ngày sau, sức nóng vẫn tỏa ra từ tàn dư của đám cháy. Avsaroglu không còn hy vọng sẽ gặp lại người thân nữa.

“Bây giờ đã là ngày thứ bảy, ai cũng mệt mỏi, chỉ mong tìm được những thi thể còn nguyên vẹn. Nhưng chúng tôi không thể tìm thấy bất cứ thứ gì, có lẽ tất cả đã bị thiêu rụi”, cô nói.

Khoảng 80 người sống trong khu nhà - 21 người đã được cứu trước đám cháy và 12 thi thể đã được tìm thấy, trong khi 47 người còn lại vẫn đang mất tích. “Chỉ còn những bộ xương sót lại,” Avsaroglu ngậm ngùi.

 Cảnh tượng hoang tàn tại Adiyaman, Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Aljazeera.

* “Nỗi sợ hãi lớn nhất là tâm lý”

Sedat Kavsut, 40 tuổi cùng anh trai là Ahmet, 48 tuổi, đang ngồi cạnh tòa chung cư bị đổ sập tại Kahramanmaraş, với hy vọng tìm lại được một số vật dụng quan trọng. Họ đang ngủ trong một tòa nhà trong thành phố và được cung cấp thức ăn. “Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất mà tôi gặp phải là tâm lý”, Sedat nói. “Khi bước vào một tòa nhà, tôi thậm chí không dám đi tiểu bởi tôi rất lo sợ và ám ảnh”.

* Sự sống trong cái chết: Kỳ tích nhân viên cứu hộ giải cứu người phụ nữ ở Thổ Nhĩ Kỳ sau 175 giờ

Một người phụ nữ bị mắc kẹt dưới đống đổ nát trong 175 giờ ở tỉnh Hatay của Thổ Nhĩ Kỳ vừa được giải cứu hôm nay 13-2, hơn một tuần sau khi trận động đất xảy ra.

 Nuray Gubuz được các nhân viên cứu hộ đưa ra ngoài từ đống đổ nát. Ảnh: Aljazeera.

Đoạn phim do chính quyền thành phố Istanbul công bố cho thấy người phụ nữ, được xác định là Naide Umay, đang được đưa lên cáng từ bên dưới đống đổ nát. 

Đội cứu hộ bao gồm các nhân viên từ sở cứu hỏa Istanbul và các thợ mỏ Thổ Nhĩ Kỳ, những người nằm trong số hàng nghìn công nhân đang tham gia nỗ lực tìm kiếm và cứu nạn.

Cùng ngày, Nuray Gurbuz, một người phụ nữ 70 tuổi, đã được giải cứu khỏi đống đổ nát của một tòa nhà ba tầng bị sập ở tỉnh Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ 178 giờ sau khi trận động đất kinh hoàng xảy ra tại đây.

Các đội cứu hộ vẫn đang gấp rút cứu những nạn nhân có thể còn sống dưới đống đổ nát, mặc dù các cơ quan cứu trợ và chính quyền đã cảnh báo rằng, cơ hội tìm thấy những người sống sót ngày càng mong manh.

* Bóng đá châu Âu tưởng nhớ nạn nhân động đất

Cơ quan quản lý bóng đá châu Âu UEFA sẽ tưởng nhớ các nạn nhân trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria tại tất cả các trận đấu Champions League và Europa League diễn ra trong tuần này, theo một tuyên bố được UEFA đưa ra hôm 13-2.

UEFA cũng cho biết, họ đã thực hiện khoản quyên góp ban đầu trị giá 213.981 USD (200.000 Euro) với mục đích viện trợ nhân đạo sau trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

MINH ANH (theo Aljazeera, CNN)