Theo Reuters, đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng, mang tính bước ngoặt, không chỉ quyết định người lãnh đạo tương lai của Thổ Nhĩ Kỳ, mà còn ảnh hưởng tới những quyết sách tương lai trong quản lý đất nước, giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế, định hình chính sách đối ngoại của quốc gia thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong giai đoạn tới.

Sau khoảng hai thập niên cầm quyền, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đang đứng trước một phép thử lớn khi cuộc bầu cử năm nay mang đến kịch bản chưa từng có: Đương kim Tổng thống tranh cử với lãnh đạo Đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP) đối lập, đồng thời là ứng cử viên của khối Liên minh Dân tộc gồm 6 đảng đối lập. Trong danh sách ứng cử viên tuyên bố tranh cử tổng thống có 3 cái tên, nhưng trên thực tế đây chỉ là “cuộc đua song mã” giữa một bên là đương kim Tổng thống Erdogan và một bên là lãnh đạo Đảng CHP đối lập, ông Kemal Kilicdaroglu.

leftcenterrightdel
Cử tri Thổ Nhĩ Kỳ đi bỏ phiếu ngày 14-5. Ảnh: AP 

Là một nhà kinh tế học được đào tạo bài bản, đồng thời là nhân viên lâu năm của Bộ Tài chính, ông Kilicdaroglu cũng từng chạy đua trong cuộc tổng tuyển cử tại Thổ Nhĩ Kỳ năm 2011. Lần này, với khẩu hiệu tranh cử “Thịnh vượng, hòa bình và hạnh phúc” cùng cam kết thay đổi lớn đường lối lãnh đạo đất nước, ông Kilicdaroglu nhận được sự ủng hộ đáng kể từ những cử tri vốn thất vọng về cách điều hành của ông Erdogan trong những năm gần đây. Ngoài liên minh của mình, ông Kilicdaroglu còn có sự hậu thuẫn không chính thức của Đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) thân người Kurd, một lực lượng đóng vai trò khá quan trọng trong cuộc bầu cử lần này.

Về phần đương kim Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, hai thách thức lớn nhất đối với ông trước cuộc bầu cử là trận động đất kinh hoàng xảy ra hồi tháng 2 vừa qua và cuộc khủng hoảng kinh tế tại quốc gia này. Trong tuyên bố vận động tranh cử, ông Erdogan cam kết chính phủ mới sẽ dồn lực để giải quyết khủng hoảng kinh tế, xây nhà ở cho người thu nhập thấp, giảm tỷ lệ lạm phát đã nằm ngoài tầm kiểm soát trong một thời gian dài. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, tuyên bố đó chưa đủ để phục hồi niềm tin của công chúng.

Số liệu thống kê gần đây nhất cho thấy lạm phát của Thổ Nhĩ Kỳ đã chính thức vượt 50% trong tháng 3 và tỷ lệ thất nghiệp là khoảng 11%. Trong khi đó, đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ mất giá không phanh. Chỉ trong hai tháng đầu năm 2023, đồng nội tệ của Thổ Nhĩ Kỳ đã mất thêm 40% giá trị so với đồng USD.

Dù đã có dấu hiệu ổn định hơn trong những tháng gần đây, nhưng chi phí sinh hoạt cao, kéo dài vẫn đè nặng lên các hộ gia đình. Cùng với những khó khăn này, chi phí tái thiết đất nước ước tính lên đến hơn 100 tỷ euro.

Có thể thấy đây là những tín hiệu không mấy lạc quan, ảnh hướng lớn tới mức độ tín nhiệm mà cử tri dành cho Tổng thống Erdogan cùng Đảng Công lý và phát triển (AKP). Tuy nhiên, cũng cần phải nhớ rằng ông Erdogan là một chính trị gia lão luyện và đầy kinh nghiệm. Từng là Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn 2003-2014 và từ năm 2014 đến nay đảm nhận cương vị tổng thống, không thể phủ nhận dưới sự lãnh đạo của ông Erdogan, Thổ Nhĩ Kỳ đã có tầm ảnh hưởng tương đối lớn với quốc tế và khu vực.

Cũng chính vì điều này mà giới quan sát cho rằng, kết quả cuộc bầu cử lần này không chỉ có tác động trong nội bộ Thổ Nhĩ Kỳ mà còn ảnh hưởng lớn tới khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ đang đóng vai trò quan trọng trong một loạt vấn đề, từ đàm phán Astana về Syria, đàm phán Nga-Ukraine, tới vấn đề lương thực từ Ukraine qua Thổ Nhĩ Kỳ đến Trung Đông, châu Phi.

Cuộc bầu cử lần này được đánh giá là khá kịch tính, khó dự đoán kết quả. Tuy nhiên, dù ai là người chiến thắng, sứ mệnh của nhà lãnh đạo tương lai đều là đưa Thổ Nhĩ Kỳ thoát khỏi khủng hoảng kinh tế, tái thiết đất nước sau thảm họa động đất, đồng thời tiếp tục có những chính sách đối ngoại phù hợp, nâng cao hơn nữa vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ trong các vấn đề nóng của khu vực và quốc tế.

BẢO CHÂU