Mối quan hệ truyền thống hữu nghị Lào - Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và Chủ tịch Souphanouvong là những người đặt nền móng và được các thế hệ lãnh đạo của hai Đảng, hai Nhà nước và biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, nhân dân hai nước bằng mồ hôi và cả xương máu của mình góp sức xây dựng lên, trở thành tài sản vô giá, mối quan hệ có một không hai trong lịch sử thế giới.

Bài viết trên trang Thông tấn xã Lào. Ảnh: kpl.gov.la

Ngay sau khi giành được chính quyền, Chính phủ độc lập lâm thời Lào Itxala và Chính phủ Việt Nam dân chủ Cộng hòa đã ký Hiệp ước tương trợ Lào - Việt Nam nhằm hợp tác và giúp đỡ nhau về mọi mặt; trước hết là quân sự để bảo vệ nền độc lập của hai dân tộc. 

Ngược dòng lịch sử 74 năm về trước, ngày 20-1-1949, thành lập Quân đội Lào Itxala, tiền thân của Quân đội nhân dân Lào ngày nay. Sự kiện trọng đại này đánh dấu bước trưởng thành của lực lượng vũ trang kháng chiến Lào. Ngày 30-10-1949, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định: “Các lực lượng quân sự của Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện”. Từ đó, ngày trở thành ngày truyền thống Cựu quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam giúp Lào.

Dấu mốc quan trọng trong liên minh chiến đấu hai dân tộc. Mùa khô 1952-1953, lực lượng hai dân tộc mở chiến dịch giải phóng Samneua và một nửa tỉnh Xiengkhoang. Cuối năm 1953, Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam quyết định mở chiến dịch Điện Biên Phủ nhằm giải phóng hoàn toàn vùng Tây Bắc Việt Nam, tạo điều kiện cho quân và dân Lào giải phóng vùng cực Bắc Lào. Phối hợp với chiến trường chính Việt Nam, quân và dân Lào liên tục đẩy mạnh các hoạt động quân sự từ Bắc xuống Nam Lào để kiềm chế lực lượng địch, góp phần tạo nên chiến thắng to lớn “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Ngày 7-5-1954, tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ của Pháp bị tiêu diệt hoàn toàn. Đó là thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam và cũng là thắng lợi của quan hệ đoàn kết, liên minh chiến đấu giữa quân đội và nhân dân ba nước Đông Dương.

Quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam tiếp tục kề vai sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân Lào đấu tranh giành chiến thắng trong các chiến dịch: Chiến dịch Luangnamtha (1962), chiến dịch 128, chiến dịch Nampack (1968), chiến dịch Meuangsouy (1969), chiến dịch Kuukiet, chiến dịch Thanongkiet (1969-1970), chiến dịch Lamson 719 (1971), chiến dịch cách đồng chum Xiengkhoang, Longcheng, chiến dịch Salaphouphoum (1971-1972)...

Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam Việt Nam (30-4-1975) và quân, dân Lào nổi dậy giành chính quyền, thành lập nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào (12-1975) là thắng lợi to lớn của quan hệ đoàn kết đặc biệt, liên minh chiến đấu thủy chung, nghĩa tình son sắt giữa hai dân tộc Việt Nam - Lào.  

Như vậy, từ những ngày đầu cách mạng cho đến khi cách mạng thành công, quân tình nguyện, chuyên gia Việt Nam luôn sát cánh cùng quân và nhân dân Lào. Bằng cách “bát cơm sẻ nửa, hạt muối cắn đôi”, quân tình nguyện đã trở thành những người con ưu tú của nhân dân Lào. Bằng sự kết hợp chủ nghĩa yêu nước chân chính với nghĩa vụ quốc tế cao cả, luôn ghi nhớ lời Bác Hồ dạy: “giúp bạn là tự giúp mình”, sẵn sàng nhận khó khăn về mình, nhường thuận lợi cho bạn, liên quân Lào - Việt đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một liên minh quân sự thông thường. Đó là một khối liên minh toàn diện và triệt để cả về chính trị - tinh thần, kinh tế, quân sự.

Quan hệ đoàn kết đặc biệt và liên minh chiến đấu thủy chung Lào - Việt Nam đã góp phần xây dựng lực lượng cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào không ngừng phát triển, lớn mạnh. Thực tế cho thấy, hai nước Lào - Việt Nam đoàn kết và liên minh chiến đấu dựa trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tôn trọng chủ quyền của nhau, đã tạo nên sức mạnh to lớn đánh thắng các đế quốc xâm lược hung hãn, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân loại, vì độc lập, tự do, hòa bình và tiến bộ xã hội. Đó chính là cơ sở vững chắc để tăng cường, phát triển quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Lào - Việt Nam lên tầm cao mới trong thời kỳ hội nhập và phát triển của mỗi nước.

TRƯỜNG AN (Theo Thông tấn xã Lào)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.