Theo Reuters, xung đột Nga-Ukraine đã gây ra những xáo trộn sâu sắc cho nền kinh tế Kiev. Ngân hàng Trung ương nước này buộc phải hạn chế rút tiền mặt và cấm mua ngoại tệ để bảo toàn dự trữ USD và euro.

Đợt cuối tháng 3, Chính phủ Ukraine cũng từng công bố con số thiệt hại kinh tế mà nước này gánh chịu sau hơn một tháng xung đột với Nga là gần 565 tỷ USD. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko cho biết, con số ước tính thiệt hại là 564,9 tỷ USD (515,8 tỷ euro), bao gồm thiệt hại trước mắt cùng với thiệt hại dự kiến trong hoạt động kinh tế và thương mại. Bà Svyrydenko cũng lưu ý các con số thiệt hại đang tăng lên từng ngày.

Trong khi đó, Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu (EBRD) dự báo, kinh tế Nga và Ukraine có thể suy giảm lần lượt 10% và 20% trong năm nay do xung đột giữa hai nước gây ra "cú sốc về nguồn cung" lớn nhất 50 năm qua. Dự báo mới nhất của EBRD dựa trên giả định Nga và Ukraine có thể đạt được một thỏa thuận ngừng bắn trong vòng vài tháng tới. Nhưng trong trường hợp xung đột kéo dài, tình hình sẽ tồi tệ hơn.

Kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Mỹ và phương Tây đã kích hoạt một cuộc chiến tranh khác-chiến tranh kinh tế, với mục tiêu gây thiệt hại lớn nhất có thể cho nền kinh tế xứ bạch dương. Thị trường tiền tệ, hàng hóa, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, đời sống người dân Nga đang đứng trước những thiệt hại và khó khăn chưa thể đo đếm được.

 Xung đột Nga - Ukraine gây ra cú sốc về nguồn cung và đẩy giá cả tăng cao (ảnh minh họa). Ảnh: Reuters 

Một số chuyên gia còn dự báo tất cả biện pháp trừng phạt này sẽ tác động đến tăng trưởng kinh tế Nga không chỉ trước mắt mà có nguy cơ còn đẩy lùi sự phát triển, gây ra lạm phát cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như đời sống của người dân.

Theo EBRD, các biện pháp trừng phạt Nga dự kiến sẽ được duy trì trong thời gian tới, làm đình trệ nền kinh tế Nga trong năm 2023. Ngay cả khi những lệnh trừng phạt hiện hành đã được dỡ bỏ, các lực cản vẫn sẽ đè nặng lên tăng trưởng kinh tế của Nga.

Thậm chí, cuộc xung đột Nga-Ukraine còn gây ra những hệ lụy rộng lớn như tỷ lệ lạm phát tăng vọt, tác động đến nhiều quốc gia, bao gồm cả những nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Theo số liệu mới nhất mà Liên minh châu Âu (EU) công bố ngày 1-4, lạm phát ở châu Âu đã tăng vọt lên mức kỷ lục 7,5% và dự đoán sẽ tiếp tục tăng trong tháng tới, đặc biệt là giá năng lượng do những căng thẳng giữa Nga và Ukraine đang gây áp lực lên người tiêu dùng và các ngân hàng quốc gia phải tăng lãi suất để đối phó với tình trạng hiện nay.

Theo cơ quan thống kê của EU, Eurostat, giá tiêu dùng ở 19 quốc gia sử dụng đồng euro đã tăng 7,5% trong tháng 3. Đây là tháng thứ năm liên tiếp lạm phát ở khu vực đồng euro lập kỷ lục, cũng là mức cao nhất kể từ năm 1997. Giá tiêu dùng tăng đột biến khiến người dân khu vực này ngày càng trở nên khó khăn hơn trong việc chi trả phí sinh hoạt. Chi phí năng lượng tăng cao là nguyên nhân chính dẫn tới lạm phát ở châu Âu, với mức giá đã tăng 44,7% trong tháng trước.

Là nền kinh tế hàng đầu thế giới nhưng Mỹ cũng đang phải đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao chưa từng thấy trong vòng 40 năm qua. Đối với hầu hết người dân xứ cờ hoa, lạm phát cao hơn so với mức lương được tăng thêm trong năm qua đã khiến họ gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng những nhu cầu thiết yếu như thực phẩm, gas và tiền thuê nhà. Có thể thấy, lạm phát cũng trở thành mối đe dọa chính trị hàng đầu đối với chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và Đảng Dân chủ trong bối cảnh cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đang đến gần.

LAN HẠ