Bà Margaret Osborne, 85 tuổi, cùng gia đình đến định cư ở làng Ratcliffe-on-Soar (hạt Nottinghamshire, Anh) từ Ireland khi còn nhỏ. Sau đó bà được thừa kế mảnh đất nơi Nhà máy nhiệt điện than Ratcliffe-on-Soar được xây dựng vào năm 1963. Tuy nhiên, công trình đồ sộ với những tháp làm mát sừng sững vươn lên bầu trời vốn là hình ảnh quen thuộc với cuộc sống người dân địa phương lâu nay sẽ đóng cửa từ ngày 30-9. Đây cũng là nhà máy nhiệt điện than cuối cùng ở xứ sương mù. Tập đoàn năng lượng Uniper của Đức hiện sở hữu Nhà máy cho hay sẽ tháo dỡ hoàn toàn cơ sở này trước năm 2030 và thay vào đó bằng một trung tâm công nghệ và năng lượng không phát thải carbon.

Nhà máy nhiệt điện than Ratcliffe-on-Soar. Ảnh: AFP 

“Chúng tôi đã bán một phần trang trại để xây nhà máy. Các cháu tôi biết ngay khi nhìn thấy các tháp làm mát là chúng đang ở gần nhà tôi. Dù sao thì tôi cũng có chút tiếc nuối khi không còn được nhìn thấy công trình này nữa”, BBC dẫn lời bà Osborne bộc bạch.

Kể từ khi đi vào hoạt động và hòa vào lưới điện quốc gia năm 1968, Nhà máy Ratcliffe-on-Soar với tổng công suất 2.000MW đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp năng lượng cho gần 2 triệu hộ gia đình tại Anh. Tuy nhiên, những năm gần đây, Nhà máy chỉ vận hành khi nhu cầu dùng điện tăng đột biến, đơn cử như đợt lạnh giá của mùa đông năm 2022 hoặc thời kỳ nắng nóng trong năm ngoái. Theo Energy Live News, mùa hè năm nay, Nhà máy chỉ nhận 1.650 tấn than, đủ sản xuất điện cho 500.000 hộ gia đình dùng trong 8 giờ.

Việc đóng cửa Nhà máy Ratcliffe-on-Soar được coi là bước đi mang tính biểu tượng cho tham vọng loại bỏ carbon khỏi ngành điện của Anh vào năm 2030, hướng đến mục tiêu trung hòa carbon đến năm 2050. Điều này cũng đưa Anh trở thành quốc gia thành viên đầu tiên trong Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) xóa nhiệt điện than. Trong khi đó, các nước G7 khác như Italy, Pháp, Canada và Đức cũng lên kế hoạch bỏ nhiệt điện than trong giai đoạn 2025-2038.

Theo AFP, than đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong nền kinh tế của Anh trước đây. Loại nhiên liệu này thúc đẩy cuộc Cách mạng công nghiệp thế kỷ 18-19, đưa nước này trở thành một siêu cường trên thế giới. Cho tới thập niên 1980, nhiệt điện than vẫn chiếm tới 70% sản lượng điện của toàn nước Anh, trước khi suy giảm từ những năm sau đó. Đáng chú ý, tỷ lệ này tiếp tục giảm mạnh trong thời gian gần đây, từ 38% vào năm 2013 xuống chỉ còn 1% trong năm 2023. Trong khi đó, chỉ riêng năm ngoái, khí đốt tự nhiên đóng góp 33%, năng lượng gió 25% và năng lượng hạt nhân 13% vào sản lượng điện ở nước này.

Khí hậu và năng lượng là những chương trình nghị sự quan trọng trong chiến dịch tranh cử của lãnh đạo Công đảng Keir Starmer. Vì vậy, ngay sau khi trở thành chủ nhân ngôi nhà số 10 phố Downing vào tháng 7 vừa qua, tân Thủ tướng Starmer nhanh chóng phác thảo kế hoạch chi tiết về phát triển năng lượng xanh. Cụ thể, Anh sẽ thành lập cơ quan quốc doanh mới, chịu trách nhiệm đầu tư tăng gấp đôi công suất điện gió trên bờ, gấp 4 lần công suất điện gió ngoài khơi và gấp 3 lần năng lượng mặt trời, qua đó góp phần hiện thực hóa mục tiêu sử dụng hoàn toàn năng lượng sạch vào năm 2030. “Điều này phát đi thông điệp rằng Chính phủ Anh đang rất coi trọng vấn đề biến đổi khí hậu và từ bỏ nhiệt điện than mới là bước đầu tiên”, AFP dẫn lời bà Jess Ralston, Giám đốc Viện nghiên cứu về năng lượng và môi trường (ECIU) có trụ sở tại London, nhận định.

VĂN HIẾU

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.