Một số nạn nhân trong vụ thảm sát 40 năm trước ở Mỹ Lai. Ảnh tư liệu
Ngày 16-3 của 40 năm trước, tại Mỹ Lai - một ngôi làng thuộc tỉnh Quảng Ngãi, hơn 500 dân thường vô tội Việt Nam, gồm phụ nữ, người già và trẻ em, đã bị giết chết dã man trong một “chiến dịch tìm và diệt” của lính Mỹ. Hơn một năm sau, sự thật về vụ thảm sát tại Mỹ Lai, người Mỹ gọi là Pinkville - một trong những tội ác man rợ nhất của lính Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, lần đầu tiên được hé mở với loạt phóng sự điều tra 3 bài của phóng viên trẻ người Mỹ Xây-mơ Hớt-sơ đăng trên tờ St.Louis Post-Dispatch vào các ngày 13, 20 và 25-11-1969, trong đó nói rõ lính Mỹ đã giết người dân vô tội thế nào. Bài báo cũng vạch trần sự cố tình che đậy và bưng bít thông tin của quân đội và chính quyền Mỹ về vụ thảm sát. Bài báo như một trái bom nổ giữa lòng nước Mỹ khiến phong trào phản đối chiến tranh trong dân chúng Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Người dân Mỹ bàng hoàng trước việc các chàng trai của họ cũng có thể phạm những tội ác ghê tởm như của phát xít Đức trước đây ở một xứ sở xa xôi mà hầu hết họ không thể chỉ ra trên bản đồ thế giới. “Tại Mỹ Lai, tội ác đã được lên kế hoạch, có tính toán và được thi hành một cách dửng dưng, máu lạnh”, phóng sự viết. Hớt-sơ, nhờ loạt bài này, đã giành giải báo chí danh giá Pulitzer năm 1970 cho “việc vạch trần thảm kịch của cuộc chiến tranh Việt Nam thông qua vụ thảm sát tại Mỹ Lai”. Báo Quân đội nhân dân xin giới thiệu nội dung chính của loạt phóng sự này.

Viên trung úy và 109 mạng người

Trung úy Uy-li-am Ca-lây, 26 tuổi là một cựu chiến binh tham gia chiến tranh Việt Nam với biệt danh “Rusty”. Quân đội đã hoàn tất cuộc điều tra về những cáo buộc rằng anh ta cố tình sát hại ít nhất 109 thường dân Việt Nam trong một “cuộc hành quân tìm - và - diệt” vào tháng 3-1968 tại một nơi được gọi tên là “Pinkville”, người Việt Nam gọi là làng Mỹ Lai cách Quảng Ngãi độ 10km về phía đông bắc. Ca-lây chính thức bị cáo buộc 6 điểm về tội giết người hàng loạt. Mỗi yếu tố kết tội đều cáo buộc rằng Ca-lây đã làm “việc sát nhân có suy tính trước… những người phương Đông, với tên họ và giới tính chưa rõ, bằng cách bắn họ với một khẩu súng trường”. Quân đội gọi đó là sát nhân, trong khi Ca-lây, luật sư của anh ta và những người liên quan đến vụ thảm sát thì biện hộ rằng đó là sự thi hành mệnh lệnh.

“Pinkville” hay “Mỹ Lai” hoặc đôi khi được gọi là “Sơn Mỹ” đã trở thành một bí danh phổ biến trong giới quân sự liên quan đến một vụ thảm sát nhiều thường dân Việt Nam trong chiến tranh. Các tổ điều tra của Lục quân bỏ ra gần một năm nghiên cứu sự cố trước khi đâm đơn kiện Ca-lây. Vào thời điểm xảy ra vụ thảm sát, anh ta là một trung đội trưởng của Lữ đoàn 11 thuộc Sư đoàn Americal.

Ca-lây chính thức bị kết tội ngày 6-9-1969, về tội thảm sát nhiều người, chỉ vài ngày trước khi anh ta mãn hạn phục vụ tại ngũ. Lục quân từ chối bình luận về vụ này, “để không làm thiên lệch tiến trình điều tra và các quyền của bị cáo”. Tương tự, Ca-lây - tuy đồng ý trả lời phỏng vấn - cũng từ chối nói chi tiết về những chuyện đã xảy ra vào ngày 16-3-1968…

Tuy nhiên, nhiều sĩ quan và viên chức khác, đã không ngại nói huỵch toẹt trong các cuộc phỏng vấn. Một người từng tham gia chiến dịch với Ca-lây cho biết mệnh lệnh quét sạch khu vực được truyền từ tiểu đoàn trưởng xuống đại đội trưởng và đến Ca-lây.

Giấu nhẹm

Có một khía cạnh khác trong vụ án Ca-lây – một khía cạnh mà quân đội không thể nói ra. Các cuộc phỏng vấn đã nêu lên được sự kiện là, việc điều tra vụ Mỹ Lai chỉ được bắt đầu 6 tháng sau sự cố đó, sau khi có một số lính của Ca-lây lên tiếng. Lục quân có những bức ảnh được coi như chụp lúc xảy ra vụ thảm sát, tuy chúng đã không được đưa ra làm bằng chứng trong vụ kiện, và có lẽ đã không được đưa ra. “Họ bắn vào ngôi làng, và Ca-lây chỉ huy toán quân ấy”, một nguồn tin ở Oa-sinh-tơn nói. “Khi một người lính từ chối làm điều đó, Ca-lây đã cầm khẩu súng và tự mình làm chuyện đó”. Được hỏi về điều này, Ca-lây đã từ chối trả lời.

Một sĩ quan Lầu Năm Góc khi bàn về vụ kiện đã vỗ vào đầu gối và nhận xét: “Một số cậu bé mà anh ta bắn chỉ cao cỡ này. Tôi không nghĩ chúng là Việt cộng. Anh có nghĩ thế không?”. Trong những người được phỏng vấn, không ai phủ nhận chuyện có những phụ nữ và trẻ em bị bắn.

Tất cả những người được phỏng vấn đều ngạc nhiên trước việc câu chuyện này lại tới được tai báo giới. “Mỹ Lai là một từ quen thuộc trong lính Mỹ. Tôi luôn ngạc nhiên là chưa ai viết gì về nó trước đó”, một quan chức nói. Trong khi đó, một sĩ quan cao cấp nói rằng lần đầu tiên ông ta nghe nói tới vụ thảm sát Mỹ Lai ngay sau khi nó xuất hiện, thời điểm ông ta đang làm nhiệm vụ ở Sài Gòn.

Tại sao Lục quân quyết định truy tố vụ này? Lời cáo buộc cho rằng Ca-lây hành động có suy tính trước khi giết người đã dựa trên cái gì? Tòa án binh phải đưa ra được câu trả lời cho những câu hỏi này, nhưng một số người đã có ý kiến riêng của họ. “Lục quân biết rằng đến lúc nào đó họ sẽ đánh gục ở điểm này”, một nguồn tin quân sự bình luận. “Nếu họ không truy tố một ai đó, nếu chuyện này bị tiết lộ mà Lục quân không có hành động gì thì tình hình có thể còn tồi tệ hơn”. Một quan điểm khác cho rằng giới chóp bu trong quân đội đang ưu tư về khả năng có thể có những phiên tòa xử tội ác chiến tranh sau cuộc chiến Việt Nam.

“Sát nhân trực xạ”

Ba lính Mỹ đã tham gia cuộc thảm sát Mỹ Lai nói trong một cuộc phỏng vấn rằng đơn vị chiến đấu của họ đã phạm tội “sát nhân trực xạ” vào cư dân ở đó. “Đó là sát nhân trực xạ và tôi đứng đó nhìn” - trung sĩ Mai-cơn Bơn-hát, công tác ở căn cứ Dix, Niu Giơ-xi cho biết. Bơn-hát là thành viên của một trong 3 trung đội thuộc một đại đội của Lữ đoàn bộ binh 11 do đại úy Ơn-nít Mê-đi-na chỉ huy. Đại đội tiến vào vùng do Việt cộng kiểm soát ngày 16-3-1968 trong một “chiến dịch tìm - và - diệt”.

Bơn-hát kể rằng lính của Ca-lây bắn như vãi đạn vào ngôi làng, nhưng chẳng thấy một ai bắn trả. “Tôi có mặt ở đó đủ lâu để khẳng định như thế. Tôi đi tới trước và thấy những lính đó đang làm những chuyện kỳ lạ. Thứ nhất: Họ phóng hỏa những căn nhà chòi lá và chờ người trong đó chạy ra và bắn loạn xạ vào họ. Thứ hai: Họ đi thẳng vào các căn nhà và bắn chết người ở trong đó. Thứ ba: Họ gom người thành nhóm rồi bắn chết hết”, Bơn-hát thuật lại.

Bơn-hát cho biết anh ta bị ám ảnh bởi hình ảnh từng đống xác chết ở khắp ngôi làng. “Tôi thấy toán lính bắn một quả M-79 vào một nhóm người vẫn còn sống. Những việc bắn giết hầu như đã hoàn tất với một khẩu liên thanh. Họ bắn đàn bà và trẻ em cũng như mọi người khác”, Bơn-hát kể. Viên trung sĩ cũng cho biết là không gặp kháng cự nào và chỉ thấy 3 thứ được gọi là vũ khí bị tịch thu. “Chúng tôi không bị tổn thất gì. Như bao ngôi làng khác ở Việt Nam, ở Mỹ Lai là những ông già, đàn bà và trẻ con. Tôi không nhớ mình có nhìn thấy một người đàn ông nào trong độ tuổi cầm súng được ở khắp ngôi làng đó, dù còn sống hay đã chết. Tù nhân duy nhất tôi thấy là một người cỡ 50 tuổi”, Bơn-hát rít thuốc liên tục.

Một thông cáo của Lục quân tường thuật về cuộc hành quân nói rằng đại đội của Mê-đi-na tịch thu được 2 súng trường M-1, một súng carbine, một máy phát làn sóng ngắn và nhiều tài liệu của đối phương trong cuộc tấn công. Xác Việt cộng đếm được là 128 và không có đề cập đến thương vong thường dân.

Bơn-hát, rõ ràng nhẹ nhõm khi sau cùng cũng được nói ra về nỗi ám ảnh của anh ta, đã hỏi người phỏng vấn: “Ông ngạc nhiên hả? Tôi thì chẳng ngạc nhiên được trước bất cứ việc gì của bọn đó (những người làm việc bắn giết)”.

Bơn-hát nói anh ta không biết chính xác bao nhiêu dân làng bị bắn chết. Anh ta nói có nghe những kết quả đếm xác thay đổi từ 170 đến 700. Bơn-hát cũng nói rằng anh ta không rõ có phải Ca-lây đích thân bắn 109 thường dân hay không, nhưng anh ta nói: “Tôi biết chắc chắn rằng Ca-lây đã giết rất nhiều người”. Cư dân trong vùng Mỹ Lai đã nói với phóng viên báo chí rằng 567 dân làng đã bị giết trong cuộc hành quân.

THU TRANG

(Biên dịch)

Kỳ 2: Tại sao lính Mỹ lên cơn cuồng sát?