Người Mỹ ấy là mục sư Martin Luther King. Nửa thế kỷ trôi qua sau ngày ông bị ám sát, nhân loại tiến bộ trên thế giới vẫn nhớ ông như một trong những nhân vật "sống vĩ đại và ngã xuống vinh quang" vì sự nghiệp đấu tranh cho quyền con người…
Sinh ngày 15-1-1929, cũng như rất nhiều người Mỹ gốc Phi lớn lên trong thời kỳ này, mục sư Martin Luther King đã phải chứng kiến và cũng từng là nạn nhân trực tiếp của nạn phân biệt chủng tộc trong xã hội Mỹ. Do đó, ngay từ thời sinh viên, ông đã tham gia nhiều hoạt động đấu tranh vì quyền lợi của cộng đồng người Mỹ gốc Phi và chống nạn phân biệt chủng tộc. Trong suốt 12 năm đấu tranh, ông đã đi qua nhiều nơi, thực hiện hơn 2.500 bài diễn thuyết để truyền cảm hứng và niềm tin cho cộng đồng. Bài diễn văn bất hủ "Tôi có một giấc mơ" (I have a dream) mang theo niềm tin về một xã hội công bằng và bình đẳng trong tương lai, nơi mỗi công dân đều được hưởng quyền sống, quyền tự do và quyền được mưu cầu hạnh phúc vẫn thường xuyên xuất hiện trong danh sách những bài diễn văn chính trị xuất sắc nhất nước Mỹ trong thế kỷ 20.
 |
Mục sư Martin Luther King, người luôn phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Ảnh: Getty |
Đầu năm 1965, Mỹ bắt đầu leo thang chiến tranh ở Việt Nam. Martin Luther King đã sớm nhận ra tính chất phi nhân, phi nghĩa của cuộc chiến tranh ấy nên ngay từ tháng 7-1965, ông đã yêu cầu “cuộc chiến tranh ở Việt Nam phải được chấm dứt. Phải giải quyết nó bằng thương lượng”.
Trong cuốn sách Vietnam Verdict, A Citizen’s History của tác giả Joseph A.Amter, xuất bản năm 1982, Martin Luther King phản đối chiến tranh ở Việt Nam trước hết vì nó ảnh hưởng tai hại đến cuộc sống của những người Mỹ da đen. Để có tiền chi phí cho chiến tranh, Chính phủ Mỹ cắt giảm nhiều biện pháp cải thiện đời sống cho người nghèo (đa số là người da màu) trong chương trình “Xã hội vĩ đại”. Martin Luther King cho biết, Tổng thống Johnson tiêu tốn 322.000USD để giết một du kích quân ở Việt Nam, nhưng chỉ chi 53USD cho mỗi đầu người trong cuộc chiến tranh chống nghèo đói ở Mỹ. “Những lời hứa về xã hội vĩ đại đã bị bắn gục trên chiến trường Việt Nam”, Martin Luther King kết luận.
Sự ủng hộ của Martin Luther King dành cho nhân dân Việt Nam còn được thể hiện trong bài diễn thuyết có tiêu đề “Hơn cả Việt Nam: Thời khắc đập tan sự im lặng" được ông trình bày ở New York ngày 4-4-1967. Trong bài diễn thuyết này, Martin Luther King điểm lại chính sách của Mỹ đối với Việt Nam trong hai thập niên sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai của bốn đời tổng thống: Truman, Eisenhower, Kennedy và Johnson. “Chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta đã sai lầm ngay từ đầu cuộc phiêu lưu của chúng ta ở Việt Nam, rằng chúng ta đã gây tổn hại cho cuộc sống của nhân dân Việt Nam”, Martin Luther King khẳng định.
 |
Cô bé Yolanda Renee King (bên trái) phát biểu trước hàng nghìn người ở Washington cuối tháng 3 vừa qua. Ảnh: AP |
Cảm thông sâu sắc nỗi đau thương mất mát của người dân Việt Nam, Martin Luther King lên tiếng đòi phải chấm dứt ngay cuộc chiến tranh tàn khốc mà Chính phủ Mỹ đang tiến hành ở Việt Nam: “Bằng cách này hay bằng cách khác, sự điên rồ này phải ngừng lại. Chúng ta phải chấm dứt ngay bây giờ…”. Martin Luther King kêu gọi mọi người cần sẵn sàng gắn hành động với lời nói bằng cách tìm ra mọi cách phản đối cuộc chiến tranh này. Đối với thanh niên Mỹ, ông đề nghị “phải làm cho thanh niên Mỹ thấy rõ vai trò của nước Mỹ (trong việc gây ra chiến tranh) ở Việt Nam và yêu cầu họ chọn cách từ chối nhập ngũ vì lý do tôn giáo”. Bài diễn văn của Luther King soi sáng cho rất nhiều người Mỹ-cho đến lúc đó vẫn còn biết rất ít về quá trình can thiệp của Mỹ vào Việt Nam cũng như về căn nguyên của chiến tranh ở Việt Nam.
Martin Luther King trở thành một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của phong trào phản đối chiến tranh ở Mỹ. Tuy nhiên, đối với chính quyền Mỹ khi đó, ông là “một nhà thuyết giáo đạo đức giả”, là “kẻ nói dối nổi tiếng nhất nước”. Ông từng bị FBI theo dõi ngày đêm, từng phải vào tù ra khám sau các cuộc biểu tình. Sau nhiều lần bị ám sát hụt, ngày 4-4-1968, ông ngã xuống trước viên đạn báo thù của James Earl Ray, một người Mỹ da trắng. Vụ ám sát xảy ra đúng một năm sau ngày ông đọc bài diễn thuyết phản đối cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở Việt Nam. Martin Luther King ra đi khi ước mơ cháy bỏng về một tương lai nước Mỹ, khi người da trắng và người da màu có thể sống chung hòa thuận, bình đẳng vẫn còn dang dở.
Nửa thế kỷ sau ngày mục sư Martin Luther King bị ám sát, nhiều chuyên gia cho rằng, giấc mơ về một xã hội hài hòa, nhân ái ở Mỹ và trên thế giới tới nay vẫn hãy còn là một giấc mơ. Năm 1968, sinh viên tại các trường đại học ở Mỹ xuống đường phản đối chiến tranh ở Việt Nam. Nửa thế kỷ sau, ngày 24-3-2018, thanh niên Mỹ lại tuần hành về thủ đô Washington trong Phong trào Marche for our lives-Tuần hành vì cuộc sống của chúng ta-để bảo vệ mạng sống của 30.000 người bị cướp đi mỗi năm vì súng ống được lưu hành. Trong số 1,8 triệu người tuần hành trên toàn nước Mỹ, ở thủ đô Washington cuối tháng 3 vừa qua, Yolanda Renee King, 9 tuổi, cháu nội của mục sư Martin Luther King đã bước lên khán đài. Và như ông của cô bé xưa kia, trước hàng trăm nghìn người, Yolanda Renee King đã chia sẻ một giấc mơ: Giấc mơ được sống trong một thế giới không có súng đạn.
LINH OANH