Trong báo cáo, WB dự đoán tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Việt Nam năm 2025 sẽ đạt 6,6%. Con số này tăng 0,1 điểm phần trăm so với dự báo trước đó vào tháng 10-2024.
Đáng chú ý, WB dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam ở mức 6,3% vào năm 2026. Mặc dù thấp hơn 0,2 điểm phần trăm so với dự báo trước đó nhưng Việt Nam được kỳ vọng sẽ dẫn đầu khu vực về tăng trưởng GDP.  Theo WB, Việt Nam là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế khu vực nhờ khả năng xuất khẩu mạnh mẽ. 

Đánh giá của WB về triển vọng kinh tế của Việt Nam phù hợp với những đánh giá và nhận định của giới chuyên gia gần đây. 

Trang tin La Tribune des Nations vừa đăng bài viết với nhan đề “Tại Davos, Việt Nam muốn thu hút các nhà đầu tư” của tác giả Adrien Benoit, trong đó đánh giá cao thành tựu kinh tế cũng như môi trường đầu tư của Việt Nam và cho rằng, Hội nghị thường niên của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) vừa diễn ra tại Davos là cơ hội lớn để khẳng định vị thế của đất nước. 

Tác giả bài viết cho rằng, Việt Nam đang đạt được một số thành tựu, trong đó bao gồm những bước tiến trong kim ngạch xuất, nhập khẩu, trở thành một trong những nền kinh tế nổi bật ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Giám đốc điều hành Apple Tim Cook trong chuyến thăm Việt Nam năm 2024 đã khẳng định mong muốn đầu tư nhiều hơn vào các nhà cung cấp tại Việt Nam. Ảnh: AFP 

Theo bài viết, trước thời điểm diễn ra hội nghị WEF, Việt Nam khẳng định vị thế ngày càng lớn mạnh như một nhân tố chủ chốt trong nền kinh tế toàn cầu.
Quốc gia Đông Nam Á giàu tiềm năng này đang ngày càng thu hút chú ý của các nhà đầu tư và doanh nghiệp trên toàn thế giới. Thời gian qua, giống như nhiều nước trên thế giới thực hiện các biện pháp cải cách, Việt Nam đang thực hiện một số biện pháp quan trọng đối với hệ thống chính trị và hành chính. Tác giả nhận định đây là những thay đổi chưa từng có tại một đất nước như Việt Nam.

Theo tác giả, quá trình tham gia thường xuyên của Việt Nam tại hội nghị của WEF tại Davos trong thời gian gần đây cũng cho thấy đất nước đặt kỳ vọng lớn vào môi trường đa phương cho các mục tiêu phát triển.

Đây là lần thứ hai liên tiếp Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự WEF. Sự hiện diện của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam nhấn mạnh sự nổi lên của đất nước như một cường quốc kinh tế toàn cầu, không chỉ là một đối tác kinh tế hấp dẫn mà còn là một điểm đến chiến lược cho tương lai. 

Bài viết đánh giá, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng trong hai thập kỷ qua. Năm 2024, GDP của đất nước tăng khoảng 7%, bất chấp những bất ổn kinh tế toàn cầu. Khả năng phục hồi kinh tế của Việt Nam dựa trên những trụ cột như dân số trẻ và năng động, đô thị hóa nhanh chóng và đầu tư nước ngoài ngày càng tăng...

Việt Nam cũng đang là trung tâm sản xuất và xuất khẩu toàn cầu, đặc biệt là trong các lĩnh vực điện tử, dệt may và sản phẩm nông nghiệp. Các tập đoàn toàn cầu như Samsung, Intel và Nike đã thành lập các cơ sở sản xuất lớn tại đây. Điều này là nhờ chi phí lao động cạnh tranh, lực lượng lao động lành nghề và cơ sở hạ tầng hậu cần liên tục được cải thiện.

Tác giả bài viết nhận định, Chính phủ Việt Nam đang tích cực khuyến khích đổi mới và chuyển đổi sang nền kinh tế số. Các sáng kiến phát triển các công ty khởi nghiệp công nghệ, dịch vụ dựa trên trí tuệ nhân tạo (AI) và chuyển đổi số trong các lĩnh vực chính đang tạo ra hệ sinh thái màu mỡ cho các công ty công nghệ.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã đặt ra các mục tiêu phát triển bền vững thông qua áp dụng các chính sách tập trung vào năng lượng tái tạo và các hoạt động kinh doanh có trách nhiệm. Qua đó, đất nước đang thu hút các nhà đầu tư có ý thức về môi trường và các dự án xanh.

Mới đây, chuyên gia Layton Pike, thành viên Ban Cố vấn của Viện Chính sách Australia-Việt Nam trong một cuộc trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam đã nhận định, trong tiến trình đổi mới đất nước đang diễn ra, Đảng Cộng sản Việt Nam đóng vai trò lãnh đạo then chốt đối với sự phát triển tương lai của Việt Nam.

Theo chuyên gia Layton Pike, việc Việt Nam liên kết các cải cách quản trị với các mục tiêu phát triển bền vững và các thông lệ quốc tế tốt nhất cũng là minh chứng cho cam kết hiện đại hóa, trong khi vẫn duy trì ổn định chính trị. Những nỗ lực này, nếu được triển khai hiệu quả, sẽ củng cố khuôn khổ quản trị nội bộ của Việt Nam và nâng cao vị thế của Việt Nam như một đối tác năng động ở Đông Nam Á.

Theo quan sát của chuyên gia Layton Pike, Việt Nam đang bước vào kỷ nguyên tăng trưởng chuyển đổi với các mục tiêu về hiện đại hóa kinh tế, chuyển đổi số và phát triển bền vững. Đảng Cộng sản Việt Nam đã vạch ra tầm nhìn chuyển đổi đất nước thành nền kinh tế thu nhập cao vào năm 2045, tập trung mạnh vào đổi mới sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực.

MAI NGUYÊN

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.