Theo tác giả bài viết, ước tính của nhiều nhà nghiên cứu chính sách và phân tích quốc phòng Mỹ cho thấy, khối lượng xuất khẩu quân sự từ Mỹ sang vùng Vịnh đang dư thừa và điều này có thể dẫn tới tình trạng mất việc làm trầm trọng ở nền kinh tế số 1 thế giới. Thậm chí điều đó có thể đã xảy ra.

Trích dẫn báo cáo của Cục Công nghiệp và An ninh (BIS) trực thuộc Bộ Thương mại Mỹ, Viện nghiên cứu Carnegie Endowment có trụ sở tại Washingon nêu rõ, doanh thu quốc phòng trị giá 15,5 tỷ USD từ vùng Vịnh có khả năng tạo ra hoặc duy trì 127.328 cơ hội việc làm cho nước Mỹ. Bởi vậy, đã xuất hiện lo ngại rằng bất kỳ sự sụt giảm nào trong doanh số xuất khẩu quốc phòng tới vùng Vịnh sẽ khiến hoạt động quản lý lao động của các công ty quốc phòng Mỹ bị xáo trộn.

Báo cáo của Carnegie Endowment cũng cho biết, mỗi năm, các quốc gia ở vùng Vịnh nhập khẩu khối lượng vũ khí với tổng trị giá hơn 100 tỷ USD. Hầu hết các quốc gia này chọn mua vũ khí hiện đại và mới nhất của Mỹ. Họ thường tránh mua các loại máy bay khó vận hành, chẳng hạn như máy bay chiến đấu F-35 và các hệ thống tên lửa như Patriot. Tính đến gần đây, hợp đồng béo bở nhất mà các công ty quốc phòng Mỹ đạt được cũng là các máy bay chiến đấu dòng F. Nhiều nhà phân tích về quốc phòng nhận định, những quốc gia vùng Vịnh chọn mua các loại đạn dược cấp thấp từ Mỹ, bởi họ chỉ cần loại vũ khí như vậy trong bối cảnh hai cuộc xung đột ở Yemen và Syria đang lắng dịu nhưng vẫn âm ỉ.

leftcenterrightdel

Vũ khí do Thổ Nhĩ Kỳ sản xuất được trưng bày tại một triển lãm ở Istanbul. Ảnh: Getty Images 

Trong khi đó, các nhà xuất khẩu quốc phòng như Pháp đã nhanh chóng hướng về vùng Vịnh. Trang tin tức Al-Monitor cho biết, Pháp đang trong giai đoạn đàm phán cuối cùng để bán 24 máy bay chiến đấu Rafale cho Qatar. Nhiều quốc gia khác ở vùng Vịnh cũng đang “xếp hàng” để ký hợp đồng mua loại máy bay này nhằm thay thế cho những chiếc F-35 do Mỹ sản xuất. Điển hình là Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) đã công bố kế hoạch mua 80 chiếc Rafale.

Bên cạnh đó, các loại vũ khí mà Nga và Trung Quốc giới thiệu trong một triển lãm quốc phòng diễn ra gần đây ở thủ đô Abu Dhabi của UAE cũng đang tiến vào thị trường vùng Vịnh và có thể sẽ sớm giành được các hợp đồng giống như của Pháp.

Cũng không thể không nhắc tới việc Thổ Nhĩ Kỳ-quốc gia đã trở thành nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ 12 thế giới chỉ trong vòng 16 năm qua-đang nổi lên như một đối thủ đáng gờm với ngành CNQP Mỹ tại khu vực. Tháng 7 vừa qua, Saudi Arabia đã ký hợp đồng trị giá 3 tỷ USD để mua các máy bay chiến đấu không người lái AKINCI của Thổ Nhĩ Kỳ và đây được coi là thương vụ xuất khẩu quốc phòng lớn nhất trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ. Bài viết đăng tải trên Khmer Times nhận định, nhiều quốc gia khác có thể cũng muốn sở hữu loại vũ khí này.

Ngoài ra, năm ngoái, có thông tin cho rằng UAE đã đề xuất mua 120 máy bay không người lái Bayraktar TB2 nổi tiếng của Thổ Nhĩ Kỳ với trị giá khoảng 2 tỷ USD. Hợp đồng bao gồm 120 máy bay không người lái Bayraktar TB2, hệ thống chỉ huy và kiểm soát, các dịch vụ huấn luyện và cả đạn dược. Mặc dù hợp đồng này chưa hoàn tất nhưng nhiều khả năng sẽ được thông qua.

Đó là chưa kể, hiện nay, 3 quốc gia vùng Vịnh là UAE, Saudi Arabia và Qatar cũng đang tăng cường các nỗ lực theo hướng thành lập những công ty quốc phòng của riêng mình.

TRUNG DŨNG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.