Sau khi Facebook vướng hàng loạt scandal liên quan tới sử dụng dữ liệu sai mục đích, tin giả và nghi vấn can thiệp vào bầu cử, tỷ phú Mark Zuckerberg dường như đang “đơn thương độc mã” trong cuộc chiến pháp lý liên quan tới nhiều quốc gia.

Theo thông tin mới nhất được CNN công bố, Quốc hội Anh mới đây đã sử dụng quyền hạn pháp lý để tịch thu khối tài liệu nội bộ “nhạy cảm” mà Facebook cố tình che giấu trong nhiều tháng qua. Tờ The Guardian mô tả động thái này là “nỗ lực phi thường” để bắt MXH lớn nhất thế giới chịu trách nhiệm về những hành vi sai trái của mình.

Tỷ phú Mark Zuckerberg tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào tháng 4-2018. Ảnh: EPA.

Làn sóng yêu cầu người sáng lập Facebook phải ra điều trần nổi lên từ đầu năm nay sau vụ bê bối dữ liệu chấn động toàn cầu liên quan đến Công ty tư vấn Cambridge Analytica, từng được Tổng thống Mỹ Donald Trump thuê trong chiến dịch tranh cử năm 2016. Điều tra cho thấy, Cambridge Analytica đã thu thập thông tin định danh cá nhân của 87 triệu người sử dụng Facebook từ năm 2014 và sau đó chia sẻ với các tổ chức khác. Về phần mình, Facebook bị cáo buộc đã không bảo vệ được thông tin của người dùng và hành động chưa đủ quyết liệt để ngăn chặn tình trạng rò rỉ dữ liệu, dù việc sử dụng thông tin sai mục đích nói trên được phát hiện từ cuối năm 2015. 

Thống kê cũng cho thấy Anh đứng thứ 4/10 nước bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi vụ rò rỉ dữ liệu nói trên. Thời gian vừa qua, Quốc hội Anh nhiều lần yêu cầu Mark Zuckerberg ra điều trần nhưng tỷ phú này liên tục thoái thác và từ chối xuất hiện trước các nhà lập pháp Anh.

Không chỉ gặp rắc rối tại xứ sở sương mù, hiện ông chủ của Facebook còn bị chính phủ nhiều nước “gọi tên”. Được biết, các nhà lập pháp hàng đầu đến từ các quốc gia, bao gồm: Argentina, Brazil, Canada, Ireland, Latvia và Singapore cũng đang yêu cầu tỷ phủ này ra điều trần về các vấn đề bảo mật, an toàn và chia sẻ dữ liệu, cũng như cách xử lý thông tin sai lệch của Facebook. Và lần này, Mark Zuckerberg vẫn tiếp tục chọn cách im lặng. Tờ The Washington Postdẫn thông báo của Facebook cho biết, Facebook sẽ cử đại diện thay cho Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg trả lời các câu hỏi tại các phiên điều trần này.

Trước đó, tỷ phú Mark Zuckerberg đã phải xuất hiện trong các phiên điều trần trước Liên minh châu Âu và Quốc hội Mỹ để trả lời chất vấn về tính bảo mật của Facebook. Bên cạnh đó, hiện MXH lớn nhất thế giới còn bị cáo buộc đã sử dụng những chiêu “truyền thông bẩn” nhằm hạ bệ các đối thủ cạnh tranh, như Apple hay Google.

Nói về những sai phạm của Facebook, ông Ted Kramer, người sáng lập công ty phần mềm của Mỹ Six4Three chia sẻ với CNN: “Chúng tôi khẳng định Facebook là công ty vi phạm nghiêm trọng nhất về lạm dụng dữ liệu trong lịch sử ngành công nghiệp phần mềm”. Six4Three cũng chính là công ty đâm đơn kiện Facebook. Ông Ted Kramer thậm chí còn muốn Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) và các nhà chức trách phải vào cuộc điều tra Facebook. Tuy nhiên, Facebook cho rằng vụ kiện của Six4Three không có giá trị.

Hàng loạt scandal kể trên cộng với kết quả kinh doanh không như mong muốn khiến cổ phiếu của Facebook và tài sản của ông chủ Mark Zuckerberg liên tiếp sụt giảm. Số liệu được hãng tin Bloomberg đưa ra ngày 18-11 vừa qua cho thấy, tài sản của Mark Zuckerberg hiện chỉ còn 55,3 tỷ USD, giảm tới 31 tỷ USD so với hồi tháng 7 năm nay.

Tờ The Washington Post cho rằng, hiếm khi nào lại có tới 7 quốc gia cùng tập hợp và đòi người đứng đầu một công ty như Facebook phải ra điều trần. Điều đó chứng tỏ Facebook cũng như các hãng công nghệ khác đang đứng trước nguy cơ phải nhận những đòn trừng phạt nặng nề và chịu sự quản lý chặt chẽ hơn trong thời gian tới.

Nếu đúng như vậy thì có lẽ “năm hạn” của Facebook và tỷ phú Mark Zuckerberg vẫn chưa chấm dứt!

ANH VŨ