Tuy nhiên, biến cố gia đình liên tiếp ập đến khi cậu con trai Chinua bị mắc bệnh não trơn-một rối loạn hình thành não hiếm gặp. Cuộc hôn nhân của cô tan vỡ 3 tháng sau khi sinh. Cô phải đối mặt với nỗi đau khổ nội tâm và tình trạng sức khỏe của con mình. Thậm chí, cô đã cạo trọc đầu.
Vậy nhưng, khi bình tâm và chia sẻ những hình ảnh đang hát cùng với con, Odiete nhận được rất nhiều lời động viên, hỏi thăm từ cộng đồng. Cô nhận ra rằng mẹ con không hề cô đơn. “Tôi không muốn giấu Chinua mãi mãi. Đây là thế giới mà con đã đến và tôi muốn mọi người cùng chào đón con”, The Guardian dẫn lời Odiete chia sẻ.
 |
Joy Odiete và con (giữa) cùng một số bà mẹ có con bị khiếm khuyết não nhận được sự giúp đỡ từ quỹ của cô. Ảnh: Chinua Foundation |
Động lực ấy đã thôi thúc Odiete thành lập Quỹ chăm sóc trẻ em Chinua để hỗ trợ các gia đình khác có trẻ em cùng cảnh ngộ. Theo đó, quỹ thường xuyên tổ chức các chương trình phát triển kỹ năng, các buổi nói chuyện chia sẻ về chăm sóc sức khỏe cho trẻ em khuyết tật và mắc các bệnh cần giáo dục đặc biệt, mở các lớp học làm đồ thủ công cho trẻ em không may mắn tại Lagos, thành phố sôi động và lớn nhất Nigeria. Từ các khoản tài chính và vật chất được mạnh thường quân cùng người dân đóng góp, quỹ gửi đến từng gia đình có hoàn cảnh khó khăn hoặc hỗ trợ sinh kế giúp tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho phụ nữ đang nuôi con bị khuyết tật. Mặt khác, Odiete và cộng sự thường xuyên vận động chính quyền xây dựng một hệ thống giáo dục đặc biệt và triển khai chương trình phúc lợi cho trẻ em khuyết tật. Với tài năng sáng tác, cô còn “kể lại” những câu chuyện xúc động về trẻ em khuyết tật qua nhiều bài hát nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của xã hội về quyền của trẻ em khuyết tật.
“Tôi đã thấy những gì Odiete làm với con mình và cho cộng đồng. Tôi đã lấy cảm hứng từ đó để nuôi con, vươn lên trong cuộc sống và hỗ trợ những người như mình”, chị Oluwakemi Oluwakoyode, người cũng có con gái bị bại não và hiện là tình nguyện viên của Quỹ chăm sóc trẻ em Chinua, cho biết.
Theo The Guardian, không có dữ liệu chính thức về trẻ em ở Nigeria mắc các bệnh về não, nhưng nước này có khoảng 35 triệu người khuyết tật và khoảng 95% trẻ em khuyết tật của quốc gia Tây Phi này không được tới trường. Mặc dù luật pháp Nigeria có quy định giáo dục hòa nhập cho trẻ em khiếm khuyết, nhưng hầu hết chúng vẫn phải đối mặt với sự kỳ thị từ một bộ phận người dân trong cộng đồng.
NGÂN ANH
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.