Đất nước của công nghệ tiên tiến
Trong những năm gần đây, Trung Quốc liên tục gặt hái thành tựu trong lĩnh vực khoa học-công nghệ (KH-CN), bao gồm những nghiên cứu về lý thuyết lượng tử hay những thành tựu về thăm dò vũ trụ, phát triển hệ thống định vị Bắc Đẩu. Ngoài ra còn một danh sách các sản phẩm công nghệ cao tại Trung Quốc như siêu máy tính Sunway TaihuLight đến nay được cho là nhanh nhất thế giới, sự phát triển công nghệ pin lithium, hay mạch máu được làm từ tế bào gốc bằng công nghệ in 3D... Từ năm 2002 đến nay, trung bình mỗi năm, nước này thu được hơn 20.000 thành quả thuộc các lĩnh vực năng lượng, nông nghiệp, bảo vệ môi trường... khiến thực lực KH-CN không ngừng nâng cao. Ước tính năm 2015, Trung Quốc chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển công nghệ vượt qua con số 210 tỷ USD, chiếm 2,1% tổng GDP.
Ngày nay, nếu nhắc tới những chiếc siêu máy tính, người ta sẽ nghĩ ngay tới Trung Quốc mà không phải là Mỹ hay quốc gia nào khác. Điều này khá dễ hiểu khi quốc gia tỷ dân chính là nơi hàng loạt phát minh tiên tiến ra đời, trong đó mới nhất là việc phát triển thành công máy tính lượng tử có sức mạnh vượt qua mọi máy tính truyền thống hiện nay.
Người dân Trung Quốc thanh toán hóa đơn mua hàng tại Starbucks bằng vài thao tác đơn giản trên điện thoại. Ảnh: techinasia.com
Đa-vít Đót-oen (David Dodwell), Giám đốc điều hành Nhóm chính sách thương mại Hồng Công-APEC, nhận định rằng: Điều đầu tiên mà ông cảm nhận khi đến Trung Quốc là internet tại Thâm Quyến nhanh hơn internet ở Xan Phran-xi-xcô. Thứ hai là các đồng nghiệp Trung Quốc của ông thanh toán tất cả các dịch vụ thường ngày thông qua ứng dụng AliPay trên điện thoại thông minh của họ.
Kinh ngạc hơn là những công nghệ thông minh được trưng bày bởi các hãng PayPal, Google hay Dolby đã không nhằm nhò gì so với Huawei, nơi 40% trong tổng số 170 nghìn nhân viên của họ đang làm công tác nghiên cứu thuần túy. Những kết quả nghiên cứu của họ đặt nền tảng cho công nghệ 5G trên toàn Trung Quốc vào năm 2020. Ông cũng cho biết, ở Thượng Hải có khoảng 450 nghìn xe đạp đậu xung quanh các tụ điểm trung tâm; người ta chỉ cần bật điện thoại, mở ứng dụng Mobike trên đó, quét mã QR trên xe đạp là có thể dùng nó, AliPay sẽ tính tiền đặt cọc và phí sử dụng xe đạp theo giờ. Xe đạp được theo dõi bởi hệ thống định vị vệ tinh GPS.
Trong một bài viết trên South China Morning Post, ông nhận định, cuộc cách mạng thanh toán điện tử này ở Trung Quốc đã bỏ xa phần còn lại của thế giới. Trong khi thị trường thanh toán kỹ thuật số của Trung Quốc hiện nay lớn hơn Mỹ 50 lần.
Thật vậy, chưa bao giờ mua hàng tại Trung Quốc lại đơn giản đến thế. Người dân chỉ cần đến trụ ATM hay ngân hàng chuyển tiền vào tài khoản của mình và đăng ký một tài khoản thanh toán qua mạng mà không cần mang tiền mặt theo người cũng có thể thanh toán hầu như ở tất cả các dịch vụ, chỉ với vài thao tác đơn giản trên điện thoại. Từ chị bán hàng rong đến các hộ bán rau quả, tạp hóa ở Bắc Kinh và phần lớn các địa phương ở Trung Quốc, mỗi người bán hầu như đều đăng ký một tài khoản của các ứng dụng này. Nhờ sự đồng bộ và dễ dàng như vậy mà tại các thành phố lớn, việc người dân không mang tiền mặt theo người ngày càng phổ biến.
Hiện nay, Trung Quốc có hơn 700 triệu người dùng internet di động, trong tổng số hơn 730 triệu người dùng internet, tốc độ tăng trưởng hằng năm vào khoảng 12%. Đây là nền tảng cơ bản để các đế chế mạng xã hội ở Trung Quốc triển khai dịch vụ thương mại điện tử. Trung Quốc hiện có hơn 470 triệu người đã sử dụng ứng dụng thanh toán trên di động để trả các hóa đơn, mua vé máy bay, tàu hỏa, xem phim… với mức tăng trưởng đến hơn 30%/năm. Không chỉ vậy, đầu năm 2016, ông chủ Tencent, Trung Quốc còn mở rộng thanh toán qua WeChat trên toàn cầu với 9 loại ngoại tệ.
Không phải ngẫu nhiên
Quá trình chuyển đổi từ một công xưởng sản xuất hàng giá rẻ toàn cầu thành một siêu cường công nghệ cao hoàn toàn không phải sự tình cờ. Từ năm 1998, Đảng Cộng sản Trung Quốc chủ trương đổi mới, tự chủ, sáng tạo trong lĩnh vực KH-CN để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước và khắc phục tình trạng chậm tiến về KH-CN của Trung Quốc so với các nước tiên tiến. Đây cũng được coi là định hướng chiến lược cho tương lai phát triển của Trung Quốc. Năm 2006, Hội đồng Nhà nước Trung Quốc đã ban hành định hướng quốc gia về Chương trình phát triển KH-CN trung và dài hạn (2006-2020). Đây là bản kế hoạch phát triển KH-CN dài hạn nhất từ trước đến nay của Trung Quốc, trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2020, nước này sẽ đạt được những đột phá về KH-CN có tầm ảnh hưởng lớn trên thế giới và đưa đất nước đứng vào hàng ngũ các quốc gia đổi mới nhất thế giới.
Những nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận ra rằng tiếp tục để các doanh nghiệp nước nhà duy trì vai trò "xưởng sản xuất hàng giá rẻ toàn cầu" sẽ là một trò chơi vô ích. Thay vì chiếm giữ thị phần lắp ráp chi phí thấp với giá nhân công rẻ mạt, Trung Quốc vươn lên trở thành quốc gia nắm giữ sở hữu trí tuệ, kiểm soát các tiêu chuẩn kỹ thuật, từ đó có được vị trí đặc quyền và được hưởng lợi từ các mạng lưới sản xuất quốc tế.
Năm 2015, chiến lược “Made in China 2025” của Trung Quốc được tung ra với mục tiêu đưa nền kinh tế lớn thứ nhì thế giới từ chỗ phụ thuộc nhiều vào lao động trình độ thấp trở thành một nền kinh tế với sự thống lĩnh của công nghệ cao, từ rô-bốt tới hàng không vũ trụ. Khác với thương hiệu có phần tiêu cực "Made in China" nói về hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc lâu nay, "Made in China 2025" đang được kỳ vọng sẽ mang lại "làn gió mới", gây dựng hình ảnh về các sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc trong kỷ nguyên cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với những mô hình nhà máy thông minh, năng suất lao động cao và sản phẩm sáng tạo. Với chiến lược này, Trung Quốc kỳ vọng sẽ phát triển ngày càng mạnh các ngành công nghệ cao và đưa các công ty của mình trở thành đối thủ mạnh của các công ty lớn về công nghệ trên toàn thế giới.
Theo Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, các ứng dụng và bằng sáng chế mới của Trung Quốc đã tăng vọt từ con số 0 vào đầu thế kỷ này, lên đến 928 nghìn sáng chế trong năm 2014 nhiều hơn Mỹ 40% (579 nghìn sáng chế), gấp 3 lần Nhật Bản (326 nghìn sáng chế). Năm 2015, Huawei đã trở thành tổ chức công bố các bằng sáng chế quốc tế mới lớn nhất thế giới. Và với những con số ấn tượng như vậy, Trung Quốc hoàn toàn có thể kỳ vọng sự nghiệp KH-CN của quốc gia tỷ dân bước vào một thời kỳ phát triển mới.
HÙNG HÀ