Đây sẽ là chuyến công du đầu tiên tới châu Âu của ông Tập Cận Bình trong vòng 5 năm qua. Chuyến đi được kỳ vọng sẽ tăng cường các mối quan hệ song phương và hợp tác cùng có lợi giữa Trung Quốc với Pháp, Serbia và Hungary.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, tại điểm dừng chân đầu tiên là Pháp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự kiến sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen. Chuyến thăm diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Pháp.

leftcenterrightdel

 Ông Tập Cận Bình và ông Macron chứng kiến lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa hai công ty hàng không của Trung Quốc và Pháp tại Paris, ngày 25-3-2019. Ảnh: CNBC

Đây cũng là lần thứ 3 ông Tập Cận Bình thăm Pháp sau hai chuyến thăm vào các năm 2014 và 2019. Tân Hoa xã nhấn mạnh, chuyến thăm lần này mang ý nghĩa đặc biệt và là cơ hội quan trọng để hai nước phát huy những thành tựu trong quá khứ và định hướng tương lai cho quan hệ song phương.

Truyền thông Trung Quốc cũng cho rằng, trong vòng 6 thập kỷ qua, mối quan hệ năng động giữa Trung Quốc và Pháp đã chứng kiến nhiều cột mốc lịch sử và thành tựu hữu hình. Điển hình là kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đã tăng gấp 800 lần để đạt 78,9 tỷ USD vào năm 2023. Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Pháp tại châu Á, còn Pháp là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Trung Quốc trong Liên minh châu Âu (EU) và được coi là quốc gia dẫn đầu trong hợp tác kinh tế-thương mại giữa EU và Trung Quốc.

Phía Trung Quốc coi chuyến thăm này là cơ hội thúc đẩy quan hệ song phương với Pháp lên một tầm cao mới. Trong khi đó, trả lời phỏng vấn tuần báo The Economist trước thềm chuyến thăm của ông Tập Cận Bình, Tổng thống Pháp Macron đã nêu ra tầm nhìn về một hệ thống kinh tế châu Âu hoàn toàn khác, trong đó có những quy định thông thoáng hơn, đầu tư nhiều hơn và bảo vệ thương mại tốt hơn để tái cân bằng quan hệ với Trung Quốc.

Sau Pháp, hai chặng dừng chân tiếp theo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ là Serbia và Hungary. Tháng 10-2023, Trung Quốc và Serbia đã ký hiệp định thương mại tự do nhằm thúc đẩy quan hệ kinh doanh và thương mại song phương. Đây là hiệp định thương mại tự do đầu tiên mà Trung Quốc ký kết với một quốc gia thuộc khu vực Trung và Đông Âu. Trong khi đó, Hungary là quốc gia châu Âu đầu tiên ký văn bản hợp tác “Vành đai và Con đường” với Trung Quốc. Năm 2017, hai nước đã công bố thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

Tân Hoa xã cũng nhấn mạnh một thực tế đó là đối với quan hệ EU-Trung Quốc hiện nay, hợp tác đã vượt xa cạnh tranh và các lĩnh vực đồng thuận cũng vượt lên trên sự khác biệt giữa hai bên. Bằng chứng là năm ngoái, dịch vụ tàu chở hàng giữa Trung Quốc và châu Âu đã kết nối 219 thành phố ở 25 quốc gia thuộc “Lục địa già”, thiết lập huyết mạch an toàn và hiệu quả cho chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu. Trong khi đó, Trung Quốc đã miễn thị thực nhập cảnh cho nhiều nước châu Âu, tạo điều kiện để trao đổi nhân sự và các hoạt động kinh tế, thương mại giữa hai bên.

Bên cạnh thương mại và đầu tư, cuộc xung đột ở Ukraine dự kiến cũng sẽ là chủ đề được quan tâm trong các cuộc thảo luận nhân chuyến công du châu Âu lần này của ông Tập Cận Bình.

ANH VŨ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.