Kỳ vĩ soi bóng bên dòng Đa-nuýp xanh

Bên dòng sông Đa-nuýp trong xanh thơ mộng bậc nhất thế giới, tòa nhà Quốc hội Hung-ga-ri soi bóng tráng lệ như nàng công chúa kiêu sa đang soi mình trong ánh mắt say đắm của chàng hoàng tử si tình. Đây được coi là biểu tượng vinh quang của đất nước và là niềm tự hào của người dân Hung-ga-ri hàng thế kỷ qua.

May mắn được đến tòa nhà Quốc hội Hung-ga-ri trước khi đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam đến chứng kiến phút giây hai Chủ tịch Quốc hội của hai nước bạn bè truyền thống gặp nhau, chúng tôi có dịp trò chuyện với những người bạn Hung-ga-ri làm công tác chuẩn bị đang tỏ rõ sự hào hứng khi chờ đón khoảnh khắc quan trọng này. Qua những câu chuyện ngắt quãng, chúng tôi hình dung được sự kỳ công và sự đầu tư lớn cả về nhân lực, trí lực và vật lực cho việc xây dựng tòa nhà này. Một sự đầu tư xứng tầm với khát vọng của chính người dân Hung-ga-ri.

leftcenterrightdel
Tòa nhà Quốc hội Hung-ga-ri là 1 trong 10 nhà Quốc hội đẹp nhất thế giới, là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước Hung-ga-ri.  
Năm 1846, một trong những nhà thơ nổi tiếng nhất Hung-ga-ri Vô-rô-xma-ti Mi-ha-li (Vörösmarty Mihály) khi chứng kiến mọi hoạt động chính trị của nước nhà đều nằm trong các tòa lâu đài không phải do chính người Hung-ga-ri xây dựng, đã thốt lên câu nói nổi tiếng, trở thành sự thôi thúc mạnh mẽ cả dân tộc Hung-ga-ri phải cùng nhau xây dựng niềm tự hào cho riêng mình: “Tổ quốc chưa có ngôi nhà cho mình”. Tuy nhiên, rất không may, bị cuốn vào cuộc chiến 1848-1849 nên phải đến năm 1880, Hung-ga-ri mới bắt đầu kế hoạch hiện thực hóa giấc mơ lớn của cả dân tộc-xây tòa nhà Quốc hội cho riêng mình như một biểu tượng của quốc gia. Một cuộc thi thiết kế tòa nhà Quốc hội diễn ra và chỉ trong thời gian rất ngắn đã có 19 bản thiết kế được gửi tới. Sau đó, bản thiết kế của kiến trúc sư lừng danh Xtê-in-đơ Im-rê (Steindl Imre) - vị giáo sư của Đại học Kỹ thuật Hung-ga-ri - đã được lựa chọn để bắt đầu tiến trình làm nên một kiệt tác về văn hóa, kiến trúc và điêu khắc của thế giới. Bản thiết kế này thể hiện rõ mô hình của tòa nhà theo lối kiến trúc Gothic với đặc trưng của tháp pháo, tháp vòm, kết hợp với những đường nét điêu khắc tinh xảo, hài hòa, cân xứng.

Ngày 12-10-1885, cả đất nước Hung-ga-ri vui mừng trước thông tin tòa nhà Quốc hội trong mơ của họ bắt đầu được khởi công. Hung-ga-ri đã huy động hàng nghìn thợ lành nghề từ khắp cả nước phục vụ việc xây dựng tòa nhà, sử dụng khoảng 40 triệu viên gạch, 500.000 viên đá quý và gần 40kg vàng cho việc xây dựng và trang trí tòa nhà. Thời gian thi công tòa nhà kéo dài hơn dự kiến do sự đòi hỏi cao về tính tinh xảo trong từng đường nét trang trí. Vì thế, mặc dù chưa hoàn thiện nhưng tòa nhà Quốc hội được khánh thành bằng việc Quốc hội Hung-ga-ri tổ chức phiên họp đầu tiên ở tòa nhà này để kỷ niệm 1.000 năm thành lập Hung-ga-ri, năm 1896. 8 năm sau đó, năm 1904, tòa nhà Quốc hội Hung-ga-ri chính thức hoàn thiện với tổng chiều dài 268m, rộng 123m, cao 96m, 27 cổng vào, 29 cầu thang gác, 691 căn phòng, trong đó có hơn 200 phòng làm việc và phòng họp của Quốc hội nằm dưới mái vòm là điểm nhấn kiến trúc của toàn bộ tòa nhà.

Từ đó đến nay, tòa nhà Quốc hội Hung-ga-ri trở thành biểu tượng vinh quang, là niềm tự hào của cả dân tộc Hung-ga-ri và được người dân Hung-ga-ri bình chọn là kỳ quan của đất nước, trong khi bạn bè quốc tế bình chọn đây là 1 trong 10 tòa nhà Quốc hội đẹp nhất thế giới.

Di sản của tình hữu nghị

11 giờ ngày 10-4-2017, dưới kỳ quan kiến trúc nổi tiếng thế giới ấy diễn ra một sự kiện đặc biệt và quan trọng, người đứng đầu cơ quan lập pháp Hung-ga-ri tiếp đón Chủ tịch Quốc hội Việt Nam tới thăm chính thức Hung-ga-ri với tất cả sự nồng ấm của những người bạn truyền thống với bề dày lịch sử quan hệ 67 năm qua. Chủ tịch Quốc hội Hung-ga-ri Quê-vê-rơ Lát-xlô (Köver László) xuống tận những bậc thềm cuối cùng để đón tiếp và đưa Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân di chuyển qua nhiều tầng cầu thang được trải thảm đỏ tới phòng hội đàm. Trong cuộc hội đàm rất thành công này, hai Chủ tịch Quốc hội nhiều lần nhấn mạnh tới quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt tốt đẹp và tầm quan trọng của việc giữ gìn di sản của tình hữu nghị mà các thế hệ cha anh hai nước đã dày công vun đắp trong suốt 67 năm qua.

leftcenterrightdel
Cờ Việt Nam tung bay ở tòa nhà Quốc hội Hung-ga-ri. 
Khi tiếp đón Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Tổng thống Hung-ga-ri A-đơ Gia-nốt (Asder János) đã khẳng định rằng, các thế hệ cha anh của hai quốc gia, hai dân tộc đã đặt ra chuẩn mực rất cao trong quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt tốt đẹp giữa hai nước. Rất nhiều người Việt Nam hiểu biết rất kỹ lưỡng về văn hóa, đất nước và con người Hung-ga-ri. Tổng thống A-đơ Gia-nốt vui vẻ nhắc tới những người dân Việt Nam thông thuộc và say mê với rất nhiều làn điệu dân ca của Hung-ga-ri. Ngài A-đơ Gia-nốt đánh giá rằng, đó là thước đo về chuẩn mực quan hệ hữu nghị truyền thống mà giới trẻ hai nước hôm nay cần tự soi mình để nỗ lực nhiều hơn trong việc tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau, góp phần vun đắp cho di sản quý trong mối quan hệ truyền thống mà cha ông đã để lại.

Cũng như Tổng thống A-đơ Gia-nốt và Chủ tịch Quốc hội Quê-vê-rơ Lát-xlô, Thủ tướng Hung-ga-ri Ô-rơ-ban Vích-tô-rơ (Orban Viktor) khẳng định rằng, Hung-ga-ri luôn coi Việt Nam là đối tác chiến lược ở Đông Nam Á. Giải thích cho lý do vì sao Hung-ga-ri vẫn quyết định dành cho Việt Nam gói tín dụng ưu đãi lên tới 440 triệu đô-la trong khi Hung-ga-ri cũng đang phải vật lộn với bộn bề gian khó sau cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế toàn cầu vừa rồi, ngài Ô-rơ-ban Vích-tô-rơ nói rất rõ ràng, khúc chiết rằng đó là vì Việt Nam là nước bạn bè truyền thống lâu năm của Hung-ga-ri, cả Nhà nước và người dân Hung-ga-ri đều có thiện cảm đặc biệt.

Phó chủ tịch Quốc hội G.Ít-xvan (Jakab István) thì tới khách sạn chào đón ngay khi Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân từ sân bay về tới khách sạn, bắt đầu những ngày ở thăm chính thức Hung-ga-ri. Ngài G.Ít-xvan cũng tới tận thành phố Xen-ten-re (Szentendre), thành phố kết nghĩa với thành phố Hội An (Quảng Nam, Việt Nam), khi đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam tới thăm và làm việc tại đây để khảo sát mô hình hợp tác đặc biệt giữa hai địa phương của hai nước. Ngài G.Ít-xvan cũng dành thời gian mời cơm thân mật Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cùng đoàn công tác ngay tại thành phố này và nói những lời từ trái tim về thiện cảm của cá nhân ngài nói riêng, Nhà nước và nhân dân Hung-ga-ri nói chung dành cho đất nước, nhân dân Việt Nam.

Chứng kiến những sự đón tiếp nồng hậu, thắm tình hữu nghị mà các vị lãnh đạo đất nước Hung-ga-ri tươi đẹp dành cho mình cùng đoàn công tác, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã rất xúc động khi nói: Chỉ có những quốc gia bạn bè cực kỳ thân thiết, hết mực hữu nghị mới dành cho nhau những điều đặc biệt, vượt lên hết tất cả những nghi thức ngoại giao thông thường như vậy.

Sẽ không quá lời khi ví quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt tốt đẹp giữa hai nước là di sản quý của kỳ quan trong mối quan hệ quốc tế. Đúng như lời Tổng thống A-đơ Gia-nốt nói, không có lý do gì mà giới trẻ hai nước không tiếp tục truyền thống của cha ông, tiếp tục giữ gìn và vun đắp cho mối quan hệ đặc biệt giữa hai quốc gia, hai dân tộc và nhân dân hai nước…

Bài và ảnh: CHIẾN THẮNG (từ Bu-đa-pét, Hung-ga-ri)