20 triệu cây sẽ được trồng trong nửa cuối năm 2022
Tầm nhìn mới này của Chính phủ Ghana được đưa ra trong bối cảnh quốc gia châu Phi này đang mất đi lớp phủ thực vật lớn trong vài thập kỷ qua. Theo dữ liệu được công bố trên nền tảng bản đồ dữ liệu lâm nghiệp có tên Global Forest Watch, Ghana đã mất khoảng 60% diện tích rừng nguyên sinh vào năm 2018, mức cao nhất trên thế giới; tiếp đó là Côte d'Ivoire với 28%.
Cũng theo Global Forest Watch, từ năm 2001 đến 2020, Ghana mất khoảng 1,3 triệu ha che phủ rừng, giảm khoảng 90%. Tổng thống Ghana Nana Addo Dankwa Akuffo-Addo gần đây cảnh báo về tốc độ tàn phá rừng ở đất nước này. “Rừng là nơi cư trú của hầu hết đa dạng sinh học trên hành tinh và là yếu tố cần thiết trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu (BĐKH) của con người. Cuộc khủng hoảng khí hậu đã lên đến đỉnh điểm. Vì thế, người dân Ghana cần ủng hộ sáng kiến xanh này”, nguyên thủ Ghana nói.
Dựa trên thành công của giai đoạn đầu khởi động từ năm 2021, Chính phủ Ghana đã đặt tiêu chuẩn rất cao cho giai đoạn 2. Theo đó, 20 triệu cây xanh sẽ được trồng trong nửa cuối năm nay. Ở khắp các vùng miền trong cả nước, các vườn ươm được thành lập để cung cấp cây giống miễn phí, trong đó có những loại cây ăn quả như bơ, dừa và xoài. Tất cả tổ chức xã hội trên toàn Ghana được kêu gọi tham gia dự án. “Việc trồng cây cứu rừng sẽ được chia thành hai giai đoạn, theo đó 10 triệu cây giống sẽ được trồng trong các khu bảo tồn rừng và 10 triệu cây giống khác sẽ được trồng để cải thiện cảnh quan môi trường”, ông John Allotey, Tổng giám đốc Ủy ban Lâm nghiệp Ghana cho biết.
 |
Các nhà lãnh đạo Ghana và người dân tham gia buổi phát động trồng cây bảo vệ lớp phủ rừng. Ảnh: AFP |
Vì một "nền kinh tế xanh"
Ghana và Côte d'Ivoire là hai quốc gia trồng cacao lớn nhất thế giới. Hai quốc gia láng giềng này đã sản xuất 60% sản lượng hạt cacao trên thế giới. Tuy nhiên, Ghana đang phải đối mặt với nạn phá rừng nghiêm trọng. Với “Dự án xanh Ghana”, chính phủ nước này hướng tới tái trồng rừng dựa trên các loài thực vật bản địa nhiệt đới được sử dụng trong y học cổ truyền cũng như ngành công nghiệp gỗ. Các nhà môi trường nhận định, chiến lược trên của Ghana không chỉ chống BĐKH mà còn để phát triển “một nền kinh tế xanh”.
Theo họ, quốc gia Tây Phi này có thể thu được nhiều lợi nhuận hơn từ dự án trồng rừng đầy tham vọng vào năm 2030. “Một số cây trồng sẽ đạt độ chín sau 5-10 năm. Vì vậy, phát triển nền kinh tế sẽ gắn với chuỗi giá trị dựa trên chế biến lâm sản. Ngày nay, y học cổ truyền đang phát triển mạnh mẽ ở châu Phi. Theo WHO, 80% dân số châu Phi sử dụng thuốc thảo dược. Do đó, trồng cây thảo dược trong rừng sẽ cung cấp nguồn nguyên liệu quý cho các cơ sở chế biến dược liệu”, Sena Alouka, Giám đốc điều hành tổ chức phi chính phủ “Thanh niên tình nguyện vì môi trường” (JVE) cho biết.
Bên cạnh việc trồng cây gây rừng quy mô lớn, Ghana mạnh tay xử lý các hoạt động khai thác rừng bất hợp pháp. Kể từ tháng 6-2022, việc chặt bất kỳ cây nào trong rừng và khu bảo tồn của Ghana phải được sự đồng ý của Ủy ban phụ trách đất đai và tài nguyên rừng. Chính phủ Ghana cũng đưa ra một số sáng kiến thúc đẩy việc trồng rừng với sự tham gia đông đảo của thanh, thiếu niên.
Ví dụ như sáng kiến “Mỗi học sinh một cây” được khởi động gần đây, theo đó, mỗi học sinh được giao trồng một cây và phải chịu trách nhiệm chăm sóc, bảo đảm sự phát triển của cây trong suốt năm học. Thị trưởng thị trấn Tây Agona, bà Justine Marigold Assan, tin tưởng sáng kiến “Mỗi học sinh một cây” này sẽ đi chặng đường dài hướng tới việc giảm thiểu tác động của BĐKH, bảo vệ các vùng đất ngập nước và cải thiện sinh kế của các cộng đồng ở nông thôn. Với những nỗ lực trên, Chính phủ Ghana hy vọng sẽ sớm đạt được mục tiêu đề ra, đó là khôi phục lớp phủ thực vật của nước này vào năm 2030.
PHƯƠNG VŨ