Hãng Thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 9-9 đưa tin, Hội đồng Nhân dân Tối cao Triều Tiên (Quốc hội) đã thông qua luật quy định quyền sử dụng đòn tấn công hạt nhân phủ đầu để tự vệ của nước này. Luật mới cho phép Triều Tiên tấn công hạt nhân phủ đầu nếu phát hiện một cuộc tấn công sắp xảy ra bằng vũ khí hủy diệt hàng loạt hoặc nhằm vào các “mục tiêu chiến lược” của đất nước. Luật cũng cấm mọi hành vi chia sẻ vũ khí hoặc công nghệ hạt nhân với các nước khác. 

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Kim Jong Un phát biểu trước Quốc hội ngày 8-9. Ảnh: KCNA

Luật trên cũng nêu rõ Triều Tiên phản đối mọi hình thức chiến tranh, bao gồm cả chiến tranh hạt nhân và mong muốn xây dựng một thế giới hòa bình, trong đó công lý quốc tế được thực thi. Theo văn kiện này, việc đưa ra chính sách về các lực lượng hạt nhân và quy định pháp lý về sử dụng vũ khí hạt nhân là nhằm giảm tối đa nguy cơ xảy ra chiến tranh hạt nhân. 

Theo Reuters, động thái này diễn ra giữa lúc có nhiều lo ngại về việc Bình Nhưỡng có thể đang chuẩn bị cho lần thử hạt nhân thứ 7 và là lần thử hạt nhân đầu tiên kể từ năm 2017. Triều Tiên năm nay đã thực hiện hàng loạt vụ phóng thử tên lửa với tần suất chưa từng có. Theo trang điện tử “The Guardian”, các nhà phân tích cho rằng mục tiêu của Nhà lãnh đạo Kim Jong Un là giành được sự chấp nhận của quốc tế về địa vị của Triều Tiên như một “quốc gia hạt nhân có trách nhiệm”.

Ngày 8-9, phát biểu trước Quốc hội, Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un khẳng định, ý nghĩa quan trọng nhất của việc lập pháp chính sách vũ khí hạt nhân là vạch ra một ranh giới không thể cứu vãn, để không thể có sự thương lượng về vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng khẳng định trạng thái quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân của Triều Tiên “trở nên không thể đảo ngược”, đồng thời tái khẳng định Triều Tiên sẽ không bao giờ từ bỏ những vũ khí hạt nhân, không có phi hạt nhân hóa, không thương lượng và không còn sự nhượng bộ nào để trao đổi. Chủ tịch Triều Tiên nhấn mạnh thêm rằng chính sách hạt nhân của nước này chỉ được điều chỉnh khi các điều kiện chính trị và quân sự trên bán đảo Triều Tiên, cũng như bối cảnh chính trị toàn cầu thay đổi.

Triều Tiên đã tuyên bố là một quốc gia có vũ khí hạt nhân trong hiến pháp, nhưng luật mới vừa được thông qua được đánh giá là còn vượt ra ngoài điều đó khi nêu rõ khi nào vũ khí hạt nhân có thể được sử dụng, bao gồm việc để đáp trả một cuộc tấn công hoặc ngăn chặn một cuộc xâm lược.

Luật năm 2013 của Triều Tiên đã quy định rằng Triều Tiên có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để đẩy lùi sự xâm lược hoặc tấn công từ một quốc gia hạt nhân thù địch và thực hiện các cuộc tấn công trả đũa. Một thành viên tại Quốc hội Triều Tiên cho biết luật mới được thông qua là một bảo đảm pháp lý mạnh mẽ để củng cố vị thế của Triều Tiên như một quốc gia có vũ khí hạt nhân, đồng thời bảo đảm “tính minh bạch, nhất quán và tiêu chuẩn” trong chính sách hạt nhân của nước này.

Động thái cứng rắn trên của Triều Tiên được đưa ra sau khi Bình Nhưỡng bác bỏ các tuyên bố trước đó của Mỹ và Hàn Quốc. Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đề nghị thảo luận với Nhà lãnh đạo Kim Jong Un bất kỳ lúc nào, ở bất kỳ đâu. Còn Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết nước này sẽ cung cấp viện trợ kinh tế lớn nếu Bình Nhưỡng bắt đầu từ bỏ kho vũ khí của mình. Tuy nhiên, Triều Tiên cho rằng Mỹ và các đồng minh duy trì “các chính sách thù địch” như biện pháp trừng phạt hay các cuộc tập trận quân sự. Điều đó đã làm suy yếu thông điệp hòa bình của họ.

XUÂN PHONG