Theo Reuters, 12 người đã thiệt mạng và 6 người khác bị thương khi một nam công chức xả súng vào các đồng nghiệp tại tòa nhà chính quyền thành phố Virginia Beach. Đối tượng đã đấu súng với cảnh sát trước khi bị bắn hạ. Các nhân chứng chia sẻ với CNN rằng họ không thể tin bạo lực kinh hoàng lại có thể xảy ra ngay tại nơi làm việc của mình. “Bạn vẫn thường đọc thấy những tin tức về các vụ xả súng và bạn cầu nguyện hy vọng mọi người sẽ ổn. Nhưng bạn chưa bao giờ nghĩ rằng chuyện tương tự sẽ xảy đến với mình”, một nhân chứng tên Megan Banton nói với CNN.

Lực lượng cảnh sát được triển khai sau khi xảy ra vụ xả súng tại thành phố Virginia Beach. Ảnh: AP.

AFP dẫn lời Cảnh sát trưởng thành phố Virginia Beach James Cervera cho biết đối tượng trên đã sử dụng khẩu súng ngắn gắn thiết bị giảm thanh và ổ đạn được kéo dài để có thể nạp đạn liên tục. Đối tượng này được mô tả là một kẻ bất mãn và hiện vẫn còn quá sớm để xác định động cơ gây án. Ông James Cervera cho biết hiện tại “có nhiều câu hỏi hơn là những câu trả lời”. “Đây là ngày thảm khốc nhất trong lịch sử của Virginia Beach. Những người liên quan đều là bạn bè, đồng nghiệp, hàng xóm và cộng sự của chúng tôi”, CNN dẫn lời thị trưởng thành phố Virginia Beach Bobby Dyer. Trong khi đó, Thống đốc bang Virginia Ralph Northam ra thông báo cho biết các cơ quan chức năng của bang đang theo dõi sát sao vụ việc, đồng thời đề nghị người dân hạn chế tới khu vực xảy ra vụ tấn công, cũng như “cần thực hiện mọi hướng dẫn của cơ quan thực thi pháp luật”.

AFP cho biết đây là vụ xả súng hàng loạt thứ 150 xảy ra tại Mỹ trong năm nay và theo CNN lại là vụ xả súng gây nhiều thương vong nhất tại xứ cờ hoa trong năm 2019. “Thêm một vụ xả súng kinh hoàng gây sốc, lần này là ở Virginia Beach. Rõ ràng không thể chấp nhận việc nước Mỹ vẫn là nước phát triển duy nhất mà điều này xảy ra thường xuyên. Chúng ta phải hành động”, Thị trưởng thành phố South Bend, bang Indiana Pete Buttigieg viết trên mạng xã hội Twitter. Về phần mình, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của bang Vermont nêu rõ “tình trạng bạo lực súng đạn đáng buồn này phải chấm dứt”, đồng thời kêu gọi “Quốc hội phải lắng nghe người dân Mỹ và thông qua luật về an toàn súng đạn”.

Lực lượng cảnh sát tại hiện trường vụ xả súng ở thành phố Virginia Beach. Ảnh: AP.

Bất chấp những hậu quả nặng nề, kiểm soát súng đạn lâu nay vẫn luôn là vấn đề gây chia rẽ lớn trong dư luận và chính trường Mỹ. Theo giới phân tích và các hãng truyền thông quốc tế, trong số các rào cản chính khiến việc kiểm soát súng đạn gần như là “bất khả thi” tại Mỹ, phải kể đến sức ảnh hưởng của Hiệp hội Súng trường Mỹ (NRA). Theo BBC, NRA là một trong những nhóm lợi ích có ảnh hướng lớn nhất trên chính trường Mỹ, không phải chỉ vì số tiền tổ chức này chi vào việc vận động hành lang giới chính trị gia mà còn bởi vì sức nặng của một hiệp hội có tới 5 triệu thành viên. Như một cựu nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ từng nói với tờ The New York Times: “Đó là một nhóm mà tôi có thể nói rằng chừng nào còn đương chức, tôi còn không dám đụng đến NRA”. BBC cho biết, mỗi khi làn sóng kêu gọi kiểm soát súng đạn dâng cao, NRA lại “đợi những làn sóng dư luận đó tan đi bằng cách trì hoãn những nỗ lực sửa đổi luật cho đến khi sự chú ý bị chuyển sang vấn đề khác”.

Ngoài ra, không thể không kể đến văn hóa sở hữu súng của người Mỹ do lịch sử để lại. Theo Pew Research, 74% số người sở hữu súng tại Mỹ cho rằng quyền sở hữu súng là cần thiết đối với sự tự do của họ. Những người phản đối kiểm soát súng cho rằng những khẩu súng không giết người, chỉ có người mới giết người. Theo họ, việc cấm sử dụng súng không phải là giải pháp ngăn chặn tội phạm mà việc ngăn chặn tội ác phải bắt đầu từ con người. Vì lẽ đó, ngày nay, có thể thấy việc sử dụng súng đạn đã thấm sâu trong xã hội Mỹ, từ sách báo, phim ảnh đến truyền hình. Không có gì ngạc nhiên khi Mỹ hiện là quốc gia có tỷ lệ người dân sở hữu súng cao nhất thế giới, với khoảng 310 triệu khẩu súng.

VŨ HOÀNG