Đây là dự luật cho phép gia đình và thân nhân các nạn nhân vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001 kiện A-rập Xê-út. Theo Roi-tơ, trong số 19 tên "không tặc" tham gia các vụ cướp máy bay để thực hiện loạt vụ tấn công khủng bố ngày 11-9-2001, có 15 tên là công dân A-rập Xê-út. Chính phủ A-rập Xê-út đã phủ nhận mọi liên quan và nhiều lần vận động hành lang phản đối dự luật JASTA. Trước đó, dự luật JASTA đã vượt qua cả hai “cửa ải” ở Hạ viện và Thượng viện nhưng để có thể chính thức trở thành luật, JASTA vẫn cần phải được Tổng thống B.Ô-ba-ma ký phê chuẩn.

leftcenterrightdel
 Tổng thống B.Ô-ba-ma tuyên bố phủ quyết dự luật JASTA. Ảnh: nydailynews.com 

Trong khi bày tỏ “sự đồng cảm sâu sắc” với gia đình các nạn nhân vụ 11-9, người đứng đầu Nhà Trắng cho rằng, dự luật JASTA sẽ “gây phương hại cho các lợi ích quốc gia của Mỹ”. Nếu dự luật được ban hành, quan hệ đồng minh thân cận giữa Mỹ và A-rập Xê-út có nguy cơ leo thang căng thẳng. Theo CNN, Tổng thống B.Ô-ba-ma cũng khẳng định, dự luật JASTA “đe dọa hạn chế sự hợp tác của các nước đồng minh trong các vấn đề an ninh then chốt như chống khủng bố, nhất là ở giai đoạn Mỹ đang nỗ lực xây dựng các liên minh, chứ không phải là tạo ra sự chia rẽ”.

Trên thực tế, Nhà Trắng đã phải chịu sức ép ngoại giao rất lớn liên quan đến dự luật JASTA. A-rập Xê-út đã cảnh báo sẽ bán tháo 750 tỷ USD tài sản tại Mỹ nếu chính quyền Oa-sinh-tơn thông qua dự luật gắn kết trách nhiệm của Ri-át đối với vụ khủng bố 11-9. Trước đó, Tổng thư ký Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) An Dây-a-ni (Abdullatif al-Zayani) cho biết các quốc gia thành viên của GCC, trong đó A-rập Xê-út là thành viên quyền lực nhất, đã bày tỏ "mối quan ngại sâu sắc" trước việc Quốc hội Mỹ thông qua dự luật cho phép công dân nước này kiện Ri-át. Ông An Dây-a-ni cho rằng, dự luật "vi phạm nền tảng và nguyên tắc của mối quan hệ giữa các quốc gia, đặc biệt là sự miễn trừ tư pháp quốc gia", đồng thời bày tỏ hy vọng chính quyền Oa-sinh-tơn "sẽ không chấp thuận dự luật này khi có thể tạo ra một tiền lệ nghiêm trọng". Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Mỹ cũng đưa ra thông điệp cảnh báo Bộ Ngoại giao Mỹ rằng, việc thực hiện dự luật cho phép người dân nước này kiện A-rập Xê-út liên quan tới vụ khủng bố 11-9 sẽ “tạo ra một gánh nặng trong mối quan hệ giữa hai nước”. “Chính vì thế, EU kêu gọi Tổng thống Mỹ hành động để ngăn chặn việc dự luật JASTA được chính thức ban hành thành luật”, thông điệp của EU nêu rõ. Bên cạnh đó, EU cũng xem việc phê chuẩn dự luật JASTA và những hệ lụy trong việc thực thi dự luật này sẽ dẫn tới những hậu quả không mong muốn bởi một số nước khác có khả năng sẽ tìm cách thông qua một đạo luật tương tự, dẫn tới việc tiếp tục “làm suy yếu những nguyên tắc về sự miễn trừ tư pháp quốc gia”.

Theo AP, Nhà Trắng cũng khẳng định ông B.Ô-ba-ma không phủ quyết dự luật chỉ vì lo ngại cho mối quan hệ giữa Oa-sinh-tơn và Ri-át, mà Chính phủ Mỹ quan ngại JASTA sẽ tạo ra một tiền lệ nguy hiểm trên phương diện pháp lý và làm xói mòn nguyên tắc quyền miễn trừ pháp lý của một quốc gia. Hay nói một cách chính xác là dự luật JASTA có thể thiết lập một tiền lệ cho phép các công dân nước ngoài kiện Chính phủ Mỹ.

Ngay sau khi Tổng thống B.Ô-ba-ma tuyên bố phủ quyết dự luật JASTA, Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ  C.Su-mơ (Chuck Schumer) bày tỏ sự thất vọng, đồng thời khẳng định điều này sẽ nhanh chóng bị Quốc hội bác bỏ. "Nếu A-rập Xê-út không làm gì sai trái, họ không phải sợ dự luật. Nếu có liên quan trong vụ 11-9, họ phải chịu trách nhiệm", Thượng nghị sĩ C.Su-mơ khẳng định.

Roi-tơ cho biết, các nghị sĩ Mỹ hiện để ngỏ khả năng đề nghị tiến hành một cuộc bỏ phiếu nữa đối với JASTA nhằm hội đủ 2/3 số phiếu ủng hộ để vô hiệu hóa quyền phủ quyết của Tổng thống B.Ô-ba-ma.

HOÀNG VŨ