Chi phí cho một đám cưới ở Ai Cập được xem là tốn kém nhất ở châu Phi. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đang đè nặng lên đất nước này, nhiều thanh niên Ai Cập buộc phải lựa chọn lùi tổ chức đám cưới hoặc rời khỏi quê hương đến một nơi chấp nhận tổ chức đám cưới đơn giản hơn.
Theo phong tục cưới hỏi của người Ai Cập, để “rước nàng về dinh”, ngoài đồ lễ mang tới nhà cô dâu, gia đình chú rể phải tổ chức buổi lễ chính thật hoành tráng với chi phí lên tới hàng chục nghìn ơ-rô. Trong khi đó, nhà gái sẽ phải chuẩn bị của hồi môn cho cặp vợ chồng trẻ, chủ yếu là trang sức bằng vàng. Trong khi mức lương hiện nay ở Ai Cập trung bình dưới 500 ơ-rô/tháng, thậm chí còn ít hơn nhiều, thì tổ chức đám cưới như vậy là một khoản chi tiêu quá xa xỉ.
Đám cưới của một đôi bạn trẻ ở Ai Cập. Ảnh: Getty Images
Theo RFI, cô Ma-nan (Manal) năm nay 30 tuổi sắp làm đám cưới với Mô-ha-mét (Mohamed), 37 tuổi. So với tuổi kết hôn ở Ai Cập thì Ma-nan và Mô-ha-mét là một cặp đôi “già”. Lý do chậm trễ kết hôn một phần là bởi họ thiếu tiền. Để tháo gỡ cho đôi bạn trẻ, gia đình Ma-nan chỉ yêu cầu đồ sính lễ là một chiếc nhẫn kim cương, thay vì đồ trang sức truyền thống bằng vàng. "Chúng tôi cũng tránh những cuộc đàm phán dường như vô tận như nhiều gia đình khác", Ma-nan nói. Cô cho biết thêm, sau khi kết hôn, họ sẽ đi thuê nhà với giá 200 ơ-rô/tháng bởi mua nhà là điều chưa bao giờ họ nghĩ tới.
Nếu như ở thành phố mọi việc có thể được châm chước, thì ở nông thôn điều này vô cùng khó bởi lẽ gia đình cô dâu, chú rể sẽ phải chịu sự nhòm ngó, chê trách của hàng xóm. Vì thế, đám cưới ở nông thôn được tổ chức hoành tráng hơn, kéo dài hơn đồng nghĩa với tốn kém hơn. Điều này gây áp lực đến thanh niên, khiến họ phải đi khỏi làng quê, tìm đường ra thành phố hoặc vượt biển sang châu Âu với hy vọng đổi đời, tìm kiếm một người bạn đời và tổ chức đám cưới như mong muốn.
PHƯƠNG LINH (theo RFI)