Lớn lên ở vùng trồng ca cao Ikom ở phía Đông Nam Nigeria, Anyoghe Akwa nhận thấy tương lai chẳng mấy sáng sủa nên quyết định chuyển đi nơi khác theo học ngành kỹ sư dân dụng và tạo dựng sự nghiệp trong lĩnh vực xây dựng. Nhưng năm 2023, cuộc đời của Akwa đã rẽ sang một hướng khác khi anh nghe tin giá ca cao tăng cao và nông dân ở quê nhà Ikom đang kiếm bộn tiền.
“Chúng tôi thấy những thanh niên 20 tuổi chưa từng học đại học kiếm được rất nhiều tiền từ việc trồng ca cao, trong khi những người mong muốn lấy bằng tiến sĩ như chúng tôi lại sống chật vật. Vì vậy, chúng tôi trở về quê và mở trang trại của riêng mình”, Akwa kể.
 |
Ảnh minh họa: tapchicongthuong.vn |
Akwa là một trong những người mới chuyển sang làm nông nghiệp hoặc các công việc liên quan để kiếm tiền từ việc giá ca cao tăng mạnh. Họ chủ yếu là nam giới và có biệt danh là "những chàng trai ca cao".
Theo Reuters, Hiệp hội Nông dân ca cao Nigeria, tổ chức đại diện cho các nông dân sản xuất nhỏ, đã chứng kiến số lượng thành viên tăng thêm hơn 10.000 người chỉ từ năm 2023 đến 2024. Ở Ikom, hầu hết đất nông nghiệp đều thuộc sở hữu của cộng đồng và theo phong tục lâu đời, một người có nguồn gốc gia đình trong cộng đồng có thể tặng một chai rượu, đồ ăn và một khoản tiền khiêm tốn khoảng 5.000 naira (tương đương 3USD) để được cấp một mảnh đất. Cũng theo cách đó, Akwa đã có thêm đất nông nghiệp để trồng cây ca cao.
Akwa kể rằng năm ngoái, anh thu hoạch được 4 bao ca cao, trong đó bao đầu tiên bán được 800.000 naira (500USD), còn lại được từ 1 triệu đến 1,2 triệu naira mỗi bao. Đó là số tiền rất lớn, bởi chỉ cần bán một bao ca cao cũng bằng mức lương cả năm của anh khi làm kỹ sư xây dựng.
Tổ chức Ca cao quốc tế (ICCO) cho biết, sản lượng giảm ở Bờ Biển Ngà và Ghana, hai nhà xuất khẩu ca cao hàng đầu thế giới và chiếm 50% sản lượng toàn cầu, đã đẩy giá ca cao tăng từ 2.200-2.500USD/tấn vào năm 2022 lên gần 11.000USD vào tháng 12-2024. May mắn thay, đợt tăng giá này diễn ra đúng vào lúc Nigeria trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất trong vòng hơn 3 thập kỷ qua, với số người dân rơi vào cảnh nghèo đói lên tới mức kỷ lục.
Còn giờ đây, ở Ikom và các khu vực sản xuất ca cao khác của Nigeria, “những chàng trai ca cao” mới giàu có đang giúp kinh tế địa phương "thay da đổi thịt".
Trên đà phất lên của ngành trồng và sản xuất ca cao, Ndubuisi Nwachukwu từng thực hiện “bước nhảy vọt” từ nhân viên ngân hàng sang làm đại lý mua hàng địa phương vào năm 2022. Như Nwachukwu chia sẻ, thu nhập của anh chỉ trong vài năm làm đại lý thu mua ca cao còn lớn hơn tổng số tiền lương trong suốt nhiều năm làm nhân viên ngân hàng. Tương tự, anh Mark Bassey cũng đã từ bỏ công việc lương thấp trong phòng thí nghiệm y tế để bước chân vào ngành trồng trọt tại quê hương và nhờ ca cao, thu nhập của anh đã tăng gấp 4 lần. Bassey tâm sự, có thể anh sẽ quay trở lại nghề cũ vì tình yêu với khoa học, nhưng trước mắt anh chỉ muốn tập trung vào làm nông nghiệp.
Nigeria là quốc gia sản xuất ca cao lớn thứ tư thế giới, nhưng sản lượng của nước này kém xa hai quốc gia ở Tây Phi là Bờ Biển Ngà và Ghana. Tuy nhiên, ICCO cho rằng cuộc đổ bộ của những nông dân mới, cùng với các giống ca cao mới ra trái trong vòng 18 tháng qua và nỗ lực của Chính phủ Nigeria nhằm thúc đẩy ngành này bằng cách cung cấp cây giống miễn phí, đã và đang giúp sản lượng tăng lên, dù điều đó không được phản ánh trong các số liệu thống kê chính thức. Rasheed Adedeji, Giám đốc nghiên cứu và chiến lược tại Viện Nghiên cứu ca cao của Nigeria (CRIN) tin rằng, sản lượng sản xuất ca cao của Nigeria có thể đã tăng gấp đôi.
Với Akwa và “những chàng trai ca cao” ở Nigeria, họ nhìn thấy tương lai lâu dài của ca cao nếu giá sản phẩm được giữ nguyên. “Với những gì tôi đang thấy, có lẽ tôi sẽ chuyển sang trồng ca cao toàn thời gian”, Akwa chia sẻ.
CHÂU ANH
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.