Dự báo về triển vọng kinh tế của Trung Quốc năm 2016, Báo Liên hợp Buổi sáng số ra gần đây nhận định, năm 2016, mức tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc sẽ dao động trong khoảng 6,5-6,7%. Mức tăng trưởng này đi xuống so với 3 năm trước đó (năm 2015 đạt mức tăng trưởng 6,9%; năm 2014 ở mức 7,3 % và 7,7% năm 2013). Để khắc phục những khó khăn, duy trì sự ổn định cho nền kinh tế quy mô khoảng 1,1 nghìn tỷ USD, Trung Quốc đã thực hiện thành công sự chuyển đổi mô hình kinh tế sang lấy tiêu dùng là động lực chính.
Thích ứng với “trạng thái bình thường mới”
Các nhà lãnh đạo của Trung Quốc xác định, tăng trưởng kinh tế sẽ ngày càng phụ thuộc vào các ngành dịch vụ và nhu cầu trong nước. Do đó, thành phần cấu thành GDP của Trung Quốc sẽ thay đổi. GDP mới sẽ bao gồm các hoạt động dịch vụ nhiều hơn, chẳng hạn sẽ xuất hiện các ngành mới về giáo dục và văn hóa, vui chơi giải trí, truyền thông, thời trang, gia đình và dịch vụ cá nhân. Các dịch vụ này chủ yếu thuộc các lĩnh vực "phi thương mại", "không xuất khẩu"...
Ban lãnh đạo của Trung Quốc đã thẳng thắn thừa nhận thời kỳ tăng trưởng hai con số của nền kinh tế Trung Quốc đã qua; mất đi động lực tăng trưởng nên kinh tế tăng trưởng chậm lại là điều không tránh khỏi. Từ năm 2015, triển vọng tăng trưởng tổng thể của nền kinh tế Trung Quốc không những không được cải thiện, mà có xu hướng ngày càng xấu đi; Trung Quốc cần chấp nhận những lô-gích tăng trưởng kinh tế cơ bản, sẵn sàng chấp nhận “trạng thái bình thường mới” của nền kinh tế Trung Quốc.
Một khu chợ tại tỉnh Hà Bắc (Trung Quốc). Ảnh: xinhuanet.com
Các chuyên gia kinh tế Trung Quốc cũng đưa ra nhận định, nguyên nhân chủ yếu khiến nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại không phải là do những tác động tiêu cực gây ra từ cải cách kinh tế, mà trên thực tế nền kinh tế Trung Quốc bắt đầu quá trình cơ cấu và tái cân bằng một cách thực sự.
Tháng 12-2015, Hội nghị Trung ương bàn về kinh tế hằng năm đã quyết định áp dụng một loạt các biện pháp can thiệp mạnh mẽ để đối phó với các vấn đề như sản xuất thừa, dư công suất, dư thừa nguồn cung và các vấn đề nợ chính quyền địa phương. Truyền thông Trung Quốc đã hoan nghênh các chính sách đồng bộ mới, cho rằng đây là một "cuộc cải cách từ nguồn cung ứng" lấy thị trường làm nền tảng, bởi sự đồng bộ này bao gồm những biện pháp xóa bỏ các quy định, cắt giảm thuế và lệ phí, mục đích nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả trong dài hạn.
Không sản xuất thừa, quản lý chặt ngoại tệ và phục vụ tối đa người tiêu dùng trong nước
Để hiện thực hóa chủ trương trên, tại buổi họp báo do Văn phòng Báo chí Quốc vụ viện Trung Quốc tổ chức ngày 23-2, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành cho biết, năm 2015 tổng kim ngạch bán lẻ hàng tiêu dùng đạt 30.100 tỷ nhân dân tệ, tăng 10,7% so với cùng kỳ và tỷ lệ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế xã hội đạt 66,4%. Điều này cho thấy Trung Quốc đã thực hiện thành công sự chuyển đổi mô hình kinh tế sang lấy tiêu dùng là động lực chính.
Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng tiêu dùng: Thu nhập của cư dân thành thị và nông thôn Trung Quốc tăng liên tiếp 3 năm, năng lực tiêu dùng không ngừng được nâng cao; thể chế an sinh xã hội không ngừng hoàn thiện khiến người tiêu dùng có thái độ tiêu dùng mạnh dạn hơn trước; điều kiện tiêu dùng không ngừng cải thiện, hình thành điểm tăng trưởng mới về tiêu dùng chăm sóc sức khỏe và du dịch.
Theo ông Cao Hổ Thành, sức bật quan trọng là các dịch vụ thương mại hướng tới đáp ứng nhu cầu tiêu dùng mang tính đối tượng, trong đó tạo sức bật vào cộng đồng thu nhập trung bình và cao. Hiện nay, do quá trình đô thị hóa và chuyển đổi ngành nghề sản xuất đang diễn ra nhanh chóng, tầng lớp có thu nhập mức trung bình và cao ở Trung Quốc đang được hình thành với số lượng ngày càng lớn; chính vì vậy sản phẩm và dịch vụ tầm trung bình thấp và thấp sẽ khó mà đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của họ.
Năm 2015, số người xuất cảnh du lịch đạt 120 triệu người, mức tiêu dùng ở nước ngoài là 1.500 tỷ nhân dân tệ, trong đó có từ 700-800 tỷ nhân dân tệ đã dùng cho mua sắm và phần lớn là từ tầng lớp có thu nhập trung bình và cao. Ông Cao Hổ Thành khẳng định, Trung Quốc cần phải đẩy mạnh thương mại điện tử xuyên biên giới, thực hiện mục tiêu không cần bước khỏi nhà là có thể mua hàng nước ngoài. Đáp ứng tiêu dùng cho số lượng lớn những người có thu nhập ổn định sẽ giúp tạo ra thu nhập ổn định cho nền kinh tế trong giai đoạn khó khăn này. Cách làm của Trung Quốc đã tỏ ra hữu hiệu khi nước này vẫn giữ vị trí nước có thương mại hàng hóa lớn nhất toàn cầu. Số liệu của Tổ chức Thương mại thế giới công bố về xuất nhập khẩu của 71 nền kinh tế chủ chốt trên thế giới cũng chứng minh mức giảm của Trung Quốc là thấp nhất thế giới.
Để giữ được thành tích ấn tượng trên, Bộ trưởng Thương mại Cao Hổ Thành nhận định, Trung Quốc vẫn cần có thêm sự điều chỉnh tổng thể của các ngành. Từ ngành ngoại thương cho tới hệ thống chuỗi ngành sản xuất công nghiệp; các ngành mới nổi và môi trường thuận lợi cho thương mại mà chính phủ tạo ra. Để tăng lợi nhuận, Trung Quốc cần triệt để khắc phục tình trạng dư thừa công suất; tình trạng sản xuất ồ ạt, mạnh ai nấy làm, sản xuất không theo quy hoạch hoặc theo thời vụ đã khiến nhiều mặt hàng của Trung Quốc bị ứ đọng. Nhật báo kinh tế Les Echos lấy một ví dụ, sản lượng thép của Trung Quốc hiện nay cao gấp đôi so với tổng sản lượng của các nước: Nhật, Mỹ, Ấn Độ và Nga cộng lại. Hiện tượng dư thừa đó không chỉ đe dọa nền kinh tế Trung Quốc mà cả thế giới.
Ngoài ra, ông Cao Hổ Thành cũng chỉ rõ, bên cạnh việc cải tổ cơ cấu, chuyển dịch mô hình thì việc quản lý nền kinh tế, trong đó có quản lý tiền để tránh thất thoát vốn, lên đến gần 1.000 tỷ USD được chuyển ra nước ngoài trong vòng hơn một năm qua, cũng là việc Trung Quốc phải quyết liệt xử lý, bởi hiện tượng vốn "bốc hơi" sẽ gây khó khăn cho nền kinh tế Trung Quốc trong việc cung cấp thanh khoản cho thị trường trong nước nhằm khôi phục đà tăng trưởng, khôi phục niềm tin của giới đầu tư.
NGUYỄN HÒA