Việt Nam đang lọt vào mắt của các nhà đầu tư đến từ xứ sở dầu hỏa Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) . Chỉ với hai dự án ở TP Hồ Chí Minh, các nhà tỉ phú dầu hỏa sẵn sàng chi ra đến 4,2 tỉ USD...
Những dự án nhiều triệu USD
Đầu tháng 9-2006, giám đốc khách sạn năm sao Millennium Airport (Dubai - UAE) Bruce A. Khalili đã tìm đến TP Hồ Chí Minh.
Dù không muốn tiết lộ chi tiết, nhưng vị giám đốc khách sạn của xứ sở dầu hỏa này đã khẳng định với Tuổi Trẻ đây là chuyến đi “tiền trạm” để mở đầu cho kế hoạch đầu tư qui mô lớn vào VN trong thời gian tới.
“Nền kinh tế Việt Nam đã phát triển rất nhanh chóng trong những năm qua, cộng với các yếu tố khác như ổn định chính trị, dân số trẻ... đã khiến chúng tôi quyết định chọn VN là một trong những địa điểm đầu tư mới”, ông Bruce A.Khalili nói.
Hiện nay, ngoài cương vị giám đốc khách sạn, ông Bruce A.Khalili còn là đại diện của Hãng hàng không tư nhân Dolphin Airlines phụ trách về đầu tư tại khu vực châu Á. Theo ông Bruce, trước mắt Dolphin sẽ xin mở đường bay trực tiếp từ Dubai đến TP Hồ Chí Minh, sau đó Dolphin và một số tập đoàn chuyên về bất động sản tại UAE sẽ xem xét đầu tư vào hệ thống các khách sạn, khu du lịch dọc theo bãi biển ở phía Nam của Việt Nam.
Trước đó, tập đoàn chuyên về bất động sản Sama Dubai (UAE) trong chuyến khảo sát tại Việt Nam đã quyết định đầu tư vào dự án xây dựng cầu Cửa Đại tại thị xã Hội An (Quảng Nam) theo hình thức BOT với tổng vốn đầu tư lên đến 400 tỉ đồng. Đây là cầu dây văng có chiều dài 1.256m, dự kiến sẽ sớm triển khai ngay trong thời gian tới.
Ngoài Quảng Nam, tập đoàn này cũng đang “chấm” TP Hồ Chí Minh, với dự án xây dựng một khu đô thị tại Thủ Thiêm và một dự án đóng tàu, qui mô cho cả hai dự án trên lên đến 4,2 tỉ USD. Một nguồn tin cho biết mặc dù còn đang trong giai đoạn khảo sát lập dự án đầu tư, nhưng qua hầu hết các buổi tiếp xúc với các cơ quan chức năng tại Việt Nam, đại diện của Tập đoàn Sama Dubai đều bày tỏ quyết tâm đầu tư vào Việt Nam rất mạnh mẽ.
Việt Nam và UAE thiết lập quan hệ ngoại giao tháng 8-1993. Kim ngạch xuất khẩu hai chiều tăng mạnh, từ 118 triệu USD năm 2003 lên 150 triệu USD năm 2004. Đến năm 2005, con số này đã đạt gần 200 triệu USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang UAE khoảng 121 triệu USD, chủ yếu là các sản phẩm linh kiện điện tử, vi tính, giày dép, dệt may, thuốc lá, thủ công mỹ nghệ, đồ gỗ, hải sản và các nông sản như gạo, chè, cà phê, ca cao, hạt tiêu. Trong khi đó, UAE xuất sang Việt Nam thức ăn gia súc, bông, phân urê, nguyên liệu chất dẻo, máy móc, thiết bị phụ tùng, hóa chất, ôtô và phụ tùng ôtô.
TTXVN |
Trong lĩnh vực cảng, giám đốc điều hành của Hãng Dubai Ports World, ông Mohammad Sharaf, cho biết kế hoạch đầu tư của hãng này trong ba năm tới sẽ dành đến 3,5 tỉ USD để đầu tư vào năm cảng lớn trên thế giới, trong đó có một cảng lớn tại TP Hồ Chí Minh.
Theo ông Đặng Ngọc Quang - tùy viên thương mại của Việt Nam tại Dubai, gần như tuần nào Thương vụ Việt Nam tại Dubai cũng nhận được các yêu cầu từ các nhà đầu tư tại UAE đề nghị cung cấp thông tin về môi trường đầu tư và thương mại tại Việt Nam. Mới đây Tập đoàn Genfinancial Holding GA (Dubai) còn đề nghị Thương vụ Việt Nam kết nối với tổng giám đốc của Tập đoàn Vinashin (Việt Nam) nhằm tiến tới lập một liên doanh đóng tàu có vốn lên đến 434 triệu euro.
Mời gọi các tỉ phú dầu hỏa
Theo nhiều chuyên gia về đầu tư quốc tế, giá dầu lửa thế giới biến động trong suốt ba năm qua, từ 20 USD/thùng lên xấp xỉ gần 70 USD/thùng đã mang về cho nhiều nhà đầu tư ở Trung Đông khoản lợi nhuận lên đến hàng trăm tỉ USD. Số tiền này đang được nhiều tập đoàn ở UAE tính toán đầu tư sang các nước khác.
Trong vài năm trở lại đây đầu tư ra nước ngoài của UAE tăng rất mạnh. Gần đây nhất, Chính phủ UAE đã ký kết các dự án đầu tư sang Morocco với tổng vốn lên đến 12 tỉ USD. Với Việt Nam, tại diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - UAE vừa được tổ chức vào tháng 6-2006 tại Dubai nhân chuyến thăm của Thứ trưởng Bộ Thương mại Nguyễn Thị Kim Ngân, nhiều nhà đầu tư UAE đã đánh giá Việt Nam là “tâm điểm” đầu tư của họ trong những năm tới. Hiện nay, theo nhận định chung, dòng vốn đầu tư của UAE đang hướng chủ yếu vào các lĩnh vực xây dựng, bất động sản, du lịch...
Theo bà Trần Thị Thúy Hợp - giám đốc Công ty Thành Đạt (Khánh Hòa), đơn vị đang đàm phán để thực hiện dự án về khách sạn, khu nghỉ mát và xây dựng nhà máy cán thép: “Hầu hết các nhà đầu tư của UAE đều mạnh về tiềm lực tài chính, điều này rất thuận lợi khi triển khai các dự án lớn quan trọng”.
Ông Đặng Ngọc Quang cho rằng đây là một cơ hội rất lớn để thu hút nguồn vốn vào dự án lớn trong nước. Tuy nhiên, rất nhiều nhà đầu tư tại UAE vẫn chưa hình dung Việt Nam đang có những lợi thế về đầu tư như thế nào. Do vậy, “các cơ quan phụ trách về xúc tiến đầu tư trong nước cần đưa UAE vào danh sách những thị trường lớn để tập trung hơn nữa công tác quảng bá xúc tiến về đầu tư cũng như thương mại”, ông Quang nói.
Theo TUỔI TRỂ