AP ngày 24-5 nhận định, tuyên bố “gây shock” của người đứng đầu nước Mỹ có thể làm gián đoạn kinh tế toàn cầu, trong bối cảnh các đòn thuế quan của Tổng thống Donald Trump chưa đem lại các thỏa thuận thương mại như ông kỳ vọng, cũng như chưa giúp ngành sản xuất nội địa Mỹ “cất cánh” như cam kết mà ông đã hứa với cử tri Mỹ trong thời gian tranh cử.
“Các rào cản thương mại phi tiền tệ, thuế VAT, các hình phạt doanh nghiệp vô lý, sự thao túng tiền tệ, các vụ kiện tụng bất công đối với các công ty Mỹ cùng nhiều vấn đề khác đã dẫn đến thâm hụt thương mại Mỹ-EU lên tới hơn 250 tỷ USD, một con số hoàn toàn không thể chấp nhận được... Các cuộc thảo luận giữa Mỹ với EU chẳng đi đến đâu cả! Do đó, tôi đề xuất áp mức thuế quan 50% đối với hàng hóa nhập khẩu từ EU, bắt đầu từ ngày 1-6”, Tổng thống Donald Trump viết trên mạng xã hội Truth Social, không quên lưu ý rằng thuế quan sẽ không áp dụng đối với các sản phẩm sản xuất tại Mỹ.
Động thái này được cho là thể hiện sự tức giận và thất vọng của nhà lãnh đạo Mỹ đối với đồng minh lâu năm EU trước việc hai bên không đạt tiến triển đáng kể nào trong các cuộc đàm phán thương mại kể từ đầu tháng 4, thời điểm Tổng thống Donald Trump tuyên bố duy trì mức thuế cơ bản 10% đối với hàng hóa EU trong 90 ngày để đàm phán. Chưa rõ liệu EU có cơ hội đảo ngược đòn thuế quan nặng nề này không, khi Tổng thống Donald Trump tỏ ra cương quyết rằng Mỹ “không tìm kiếm thỏa thuận” mà “thiết lập thỏa thuận” áp thuế 50% cho hàng hóa EU.
 |
Tổng thống Donald Trump đe dọa áp thuế nhập khẩu đối với điện thoại thông minh sản xuất bên ngoài nước Mỹ (ảnh minh họa). Ảnh: Reuters
|
Gần như tức thì, thông tin Mỹ có thể áp thuế 50% với hàng hóa EU đã làm rung chuyển thị trường thế giới. Các sàn chứng khoán khắp nơi rực sắc đỏ, với hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo, trong khi giá vàng vọt tăng do các nhà đầu tư tìm nơi trú ẩn an toàn cho nguồn vốn.
Trên mạng xã hội X, quan chức thương mại hàng đầu EU Maros Sefcovic cho biết đã sắp xếp một cuộc gặp với Đại diện thương mại Mỹ Jamieson Greer và Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick trong ngày 24-5. "EU cam kết bảo đảm một thỏa thuận có lợi cho cả hai bên... Thương mại EU-Mỹ là có một không hai và phải được dẫn dắt bởi sự tôn trọng lẫn nhau, chứ không phải sự đe dọa. Chúng tôi sẵn sàng bảo vệ lợi ích của mình", ông Maros Sefcovic khẳng định.
Không chỉ EU, nhiều tập đoàn lớn của Mỹ như Apple, Amazon, Walmart cũng đang nằm trong tầm ngắm thuế quan của Nhà Trắng. “Tôi đã thông báo từ lâu với Tim Cook của Apple rằng tôi mong đợi iPhone của họ bán tại Mỹ sẽ được sản xuất và lắp ráp tại Mỹ, không phải tại Ấn Độ hay bất kỳ nơi nào khác... Nếu không, các sản phẩm của Apple nhập khẩu vào thị trường Mỹ sẽ bị áp thuế ít nhất 25%”, nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố, không quên lưu ý tất cả điện thoại thông minh sản xuất bên ngoài nước Mỹ, bao gồm của Samsung hay bất cứ thương hiệu nào khác, sẽ bị đánh thuế và mức thuế quan này có thể được áp dụng sớm nhất trong tháng 6.
Theo các nhà phân tích kinh tế, một chiếc iPhone giá 1.200USD, sau khi đưa về sản xuất tại Mỹ sẽ có giá từ 1.500 đến 3.500USD, do chi phí nhân công và chi phí khác tại xứ cờ hoa cao hơn nhiều so với ở các nước.
Điều cốt lõi trong lập luận của Tổng thống Donald Trump khi áp thuế cao với EU là bởi ông tin rằng Mỹ đang phải chịu mức thâm hụt thương mại "hoàn toàn không thể chấp nhận được" với 27 quốc gia thành viên EU. Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Mỹ, năm 2023, Mỹ thâm hụt thương mại 236 tỷ USD với EU. Tuy nhiên, theo các quan chức EU, thương mại Mỹ-EU gần như cân bằng nếu tính cả hàng hóa và dịch vụ. Là một trung tâm tài chính và công nghệ toàn cầu, Mỹ có thặng dư thương mại về dịch vụ với châu Âu, do đó, con số thâm hụt thương mại thực tế chỉ dừng ở mức 48 tỷ euro (54 tỷ USD).
“Thuế quan cao phi lý ở mức 50% không có lợi cho bất kỳ ai, mà chỉ khiến kinh tế cả hai bên bị ảnh hưởng”, AP dẫn lời Bộ trưởng Ngoại giao Đức Johann Wadephul. Trong khi đó, giáo sư kinh tế Mary Lovely, thành viên cấp cao Viện Kinh tế quốc tế Peterson cho biết, mức thuế 50% đối với châu Âu rất có thể là một "chiêu trò đàm phán" của Tổng thống Donald Trump, vì trước đây chính ông đã rút lại chính sách thuế quan sau khi áp dụng đường lối cứng rắn, và rằng về lâu dài, cách tiếp cận của nhà lãnh đạo Mỹ cho thấy “Mỹ là một đối tác thương mại không đáng tin cậy, hoạt động theo ý thích chứ không phải theo pháp quyền".
HÀ PHƯƠNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.