Theo Reuters, phát biểu với truyền thông khi Hội nghị thượng đỉnh Anh-EU diễn ra ở thủ đô London ngày 19-5, Thủ tướng Anh Keir Starmer-vốn ủng hộ Anh ở lại EU-bày tỏ quan điểm rằng việc bảo đảm lợi ích của người dân Anh quan trọng hơn bất kỳ lời chỉ trích nào về “sự phản bội Brexit”. Theo Thủ tướng Starmer, thế giới đã thay đổi kể từ khi Anh rời khỏi EU (Brexit) năm 2020 và trọng tâm của quá trình hàn gắn quan hệ giữa hai bên là việc ký kết một hiệp ước quốc phòng-an ninh, từ đó mở đường cho các công ty quốc phòng của Anh tham gia vào chương trình tái vũ trang trị giá 150 tỷ euro (167 tỷ USD) tại châu Âu.
 |
Thủ tướng Anh Keir Starmer (giữa) chào đón Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen (bên trái) và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa tới London dự Hội nghị thượng đỉnh Anh-EU. Ảnh: Getty Images |
Ngay trước thềm hội nghị, các cuộc đàm phán về việc tái lập quan hệ Anh-EU trong nhiều lĩnh vực đã diễn ra suốt đêm 18-5 (giờ địa phương) giữa Thủ tướng Anh Starmer với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Antonio Costa. The Guardian nhận định, đàm phán diễn ra trong bối cảnh cùng với cuộc xung đột Nga-Ukraine, việc Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng nắm quyền đã làm đảo lộn trật tự toàn cầu, buộc chính phủ nhiều nước trên khắp thế giới phải xem xét lại các mối quan hệ về thương mại, quốc phòng-an ninh, trong đó có Anh. Hồi đầu tháng 5, London đã đạt được thỏa thuận thương mại toàn diện với New Delhi cũng như có được bảo đảm một số miễn giảm thuế quan từ Washington. Trong khi đó, EU cũng đẩy nhanh nỗ lực xây dựng các thỏa thuận thương mại với Ấn Độ, tăng cường quan hệ đối tác với hàng loạt quốc gia như Canada, Australia, Nhật Bản, Singapore...
Reuters cũng cho hay, trong số các vấn đề được đưa ra thảo luận với EU lần này, Anh kỳ vọng EU sẽ giảm bớt đáng kể các cuộc kiểm tra ở biên giới cũng như giảm thiểu các thủ tục giấy tờ làm chậm xuất khẩu thực phẩm và nông sản từ Anh vào EU; cho phép các du khách Anh sử dụng cổng thông tin điện tử khi nhập cảnh tại các sân bay của EU. Đổi lại, London chấp thuận một chương trình di chuyển hạn chế vào Anh dành cho thanh, thiếu niên từ EU, cho phép họ tham gia chương trình trao đổi sinh viên Erasmus+. Một thỏa thuận đột phá khác mà hai bên vừa đạt được là các tàu cá của EU sẽ được quyền tiếp cận vùng biển của Anh cho đến năm 2038, tức là được gia hạn thêm 12 năm sau khi thỏa thuận hiện tại hết hạn. Tuy nhiên, thỏa thuận đánh bắt cá này đang trở thành tâm điểm gây tranh cãi tại Anh, khi cả lãnh đạo Đảng Bảo thủ Kemi Badenoch và lãnh đạo Đảng Cải cách Nigel Farage đều mô tả thỏa thuận này là một "sự đầu hàng", còn chính trị gia Tim Eagle của Nghị viện Scotland cực lực lên án “thỏa thuận này là một thảm họa thực sự đối với ngành đánh bắt cá của Anh. Thủ tướng Keir Starmer và Chính phủ Công đảng đã hoàn toàn đầu hàng trước EU... Thỏa thuận này là sự phản bội đáng xấu hổ đối với ngư dân Anh”.
Kể từ khi Anh rời khỏi EU (Brexit), dù không áp dụng thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu giữa hai bên, song hàng loạt rào cản phi thuế quan, bao gồm các cuộc kiểm tra biên giới phiền hà hơn và thủ tục giấy tờ rắc rối đã khiến hoạt động thương mại Anh-EU trở nên khó khăn. Các hạn chế về thị thực sau Brexit cũng gây cản trở hoạt động xuyên biên giới của các chuyên gia, nhân viên ngân hàng, luật sư, cũng như các hoạt động giao lưu văn hóa, trao đổi sinh viên.
Hội nghị thượng đỉnh Anh-EU diễn ra trong bối cảnh sự ủng hộ của cử tri Anh dành cho Thủ tướng Starmer đang giảm mạnh trong những tháng gần đây. Đầu tháng này, Đảng Cải cách có quan điểm chống nhập cư và ủng hộ Brexit đã giành chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử địa phương. Hơn ai hết, Thủ tướng Starmer hiểu rõ ông sẽ phải đối mặt với cáo buộc "phản bội Brexit", bất kể kết quả các cuộc đàm phán ra sao. Chưa kể các chính sách khó đoán định của Tổng thống Mỹ Donald Trump-người luôn ủng hộ Brexit-cũng có thể gây ra cơn đau đầu tiềm ẩn đối với người đứng đầu Chính phủ Anh.
HÀ PHƯƠNG
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.