Reuters ngày 25-4 đưa tin, giới chức Anh và EU hy vọng việc đạt được thỏa thuận quốc phòng sẽ giúp cải thiện quan hệ giữa hai bên sau nhiều năm căng thẳng giai đoạn hậu Brexit (Anh rời EU).

Phát biểu tại cuộc gặp với Chủ tịch EC Ursula von der Leyen ở thủ đô London, Thủ tướng Keir Starmer nhấn mạnh trong bối cảnh thế giới "ngày càng bất ổn với một tương lai bất định", điều đáng mừng là Anh và EU đang hợp tác chặt chẽ với nhau trong nhiều vấn đề, từ quốc phòng, an ninh cho đến kinh tế-thương mại. Yahoo News dẫn lời Thủ tướng Keir Starmer bày tỏ thực sự hài lòng trước việc London và Brussels đã cam kết "cài đặt lại" quan hệ.

Thủ tướng Keir Starmer cho rằng việc "cài đặt lại" quan hệ sẽ mang tới lợi ích to lớn cho cả Anh và EU. Người phát ngôn của Chính phủ Anh cho biết, Thủ tướng Keir Starmer và Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã có cuộc gặp "kéo dài và hiệu quả". Hai bên đã đạt được “tiến triển tích cực” mặc dù chi tiết cụ thể về một thỏa thuận quốc phòng không được công bố.

  Thủ tướng Anh Keir Starmer (phải) gặp Chủ tịch EC Ursula von der Leyen tại London. Ảnh: Getty Images

Về phần mình, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen ca ngợi "sự hợp tác tuyệt vời" giữa EU và Anh. Yahoo News ngày 25-4 dẫn lời bà Ursula von der Leyen đánh giá cuộc gặp với Thủ tướng Keir Starmer “mở đường” cho một thỏa thuận quốc phòng giữa hai bên. Viết trên mạng xã hội X, Chủ tịch EC cho rằng hai bên có tiềm năng lớn cho mối quan hệ đối tác về quốc phòng. Bà Ursula von der Leyen cho rằng với việc đạt một thỏa thuận quốc phòng, Anh có thể tham gia Chương trình "Hành động an ninh cho châu Âu" (SAFE)-quỹ trị giá 150 tỷ euro (170 tỷ USD) nhằm tài trợ chung cho việc mua sắm và đầu tư trong lĩnh vực quốc phòng của EU.

Theo Reuters, trước đó, Đại sứ Đức tại Anh Miguel Berger tuyên bố bối cảnh địa chính trị khó khăn hiện nay khiến việc tăng cường hợp tác giữa EU và Anh ngày càng trở nên quan trọng. Giới chức Anh và EU đều tin tưởng rằng hai bên sẽ đạt được một thỏa thuận quốc phòng tại hội nghị thượng đỉnh dự kiến diễn ra vào ngày 19-5 tới.

Yahoo News cho biết, cả EU và Anh đều bày tỏ mong muốn thúc đẩy hợp tác sâu rộng hơn, nhất là trong lĩnh vực quốc phòng khi ngày càng xuất hiện nhiều hoài nghi về mức độ cam kết của Mỹ dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump đối với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và an ninh của châu Âu. Với EU, Brexit đã đánh dấu khối mất đi một nền kinh tế lớn và cường quốc quân sự đáng kể. Với Anh, dù không còn là thành viên EU nhưng vẫn gắn kết với châu lục. Chính phủ của Thủ tướng Keir Starmer nhận ra rằng, EU đóng vai trò quan trọng để thực hiện nhiều cam kết ưu tiên đối với người dân Anh. Vì vậy, kể từ khi Công đảng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi năm ngoái, Chính phủ Anh đã nỗ lực "cài đặt lại" quan hệ với EU với trọng tâm đầu tiên là trong lĩnh vực quốc phòng vốn được xem là một thế mạnh của London.

Việc Anh tham gia SAFE được đánh giá sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các công ty của Anh như BAE Systems khi mà Chính phủ của Thủ tướng Keir Starmer xác định mục tiêu đưa ngành công nghiệp quốc phòng nội địa trở thành một động lực tăng trưởng. "Các vấn đề từ kinh tế, di cư đến quốc phòng... của Anh đều có yếu tố châu Âu, khiến mối quan hệ với EU đóng vai trò quan trọng trong toàn bộ chương trình nghị sự của chính phủ. Những điều làm nên thành công của Chính phủ Anh đều gắn liền với châu Âu", Giám đốc Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu Mark Leonard nhận định với BBC.

HOÀNG VŨ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.