Theo nhật báo Asahi Shimbun, ở Nhật Bản cũng như nhiều nơi khác trên thế giới, điện thoại thông minh đang thay thế điện thoại cố định. Dữ liệu của Bộ Nội vụ Nhật Bản cho biết, hiện chỉ có 58% hộ gia đình ở nước này được trang bị điện thoại thông minh. Trong khi đó, điện thoại cố định từng là vật dụng thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày, giờ đây được coi là di tích của quá khứ, đặc biệt là đối với những người trẻ tuổi. “Kết quả là, ngày càng nhiều công ty Nhật Bản phải đối mặt với tình trạng nhân viên trẻ nói rằng họ xấu hổ, thậm chí sợ hãi khi sử dụng điện thoại cố định”, tờ Asahi Shimbun viết.
 |
Ngày càng nhiều công ty Nhật Bản phải đối mặt với tình trạng nhân viên trẻ nói rằng họ bị ám ảnh khi sử dụng điện thoại cố định. Ảnh: Asahi Shimbun |
Dofine, một công ty cung cấp đào tạo qua điện thoại cho các doanh nghiệp, cho biết, ngày càng có nhiều công ty chứng kiến trường hợp nhân viên trẻ nghỉ việc vì họ “không thể trả lời điện thoại”.
Tại sao điện thoại cố định lại trở thành nỗi ám ảnh của giới trẻ Nhật Bản? Moeko Ono, một nhà tâm lý học nghề nghiệp, giải thích, những người sinh ra sau thời kỳ internet bùng nổ thường bị ám ảnh bởi cuộc gọi điện thoại cố định bởi cách thức này không phù hợp với cách giao tiếp của họ. Khi trả lời điện thoại, giới trẻ có rất ít thông tin về người đang nói chuyện hoặc mục đích của cuộc gọi. Việc không thể nhìn thấy người đối thoại cũng khiến họ không thể diễn giải được biểu cảm trên khuôn mặt của họ. “Sự thiếu hụt thông tin này khiến giới trẻ thời đại kỹ thuật số sợ hãi. Trên hết, trong các cuộc trò chuyện qua điện thoại, không thể thiếu yếu tố ngẫu hứng mà không có trong các tin nhắn văn bản trao đổi trên mạng xã hội”, nhà tâm lý học Moeko Ono nhấn mạnh.
Một công chức 27 tuổi chia sẻ với nhật báo Asahi Shimbun rằng, tại nơi làm việc, cô ấy muốn “không trả lời điện thoại”. Đặc biệt là những khoảng lặng giữa cuộc trò chuyện khiến cô lo lắng. “Nếu tôi đối mặt với người đối thoại, tôi có thể lấp đầy những khoảng trống đó bằng cử chỉ hoặc biểu cảm khuôn mặt. Nhưng trên điện thoại, khoảng trống vẫn là khoảng trống”, nữ công chức này nói.
Trên thực tế, hiện tượng “ám ảnh với điện thoại” không chỉ xảy ra ở Nhật Bản. Tờ The Daily Mail của Anh dẫn kết quả cuộc khảo sát đối với 2.000 người cho biết, những người trẻ từ 18 đến 25 tuổi coi cuộc gọi điện thoại là chuyện của quá khứ. 57% trong số họ có hệ thống từ chối trả lời khi cha mẹ gọi đến, 34% người được hỏi coi cuộc gọi là “phiền phức” và 32% thừa nhận họ không bao giờ gọi điện thoại.
MAI VŨ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.