Chuyện là khi phát biểu tại một sự kiện, ông Eto Taku tuyên bố gia đình ông không bao giờ phải mua gạo bởi được nhận quá nhiều từ những người ủng hộ. Ông thậm chí còn khẳng định trong nhà có nhiều gạo đến mức có thể mang đi bán. Theo Kyodo News, phát ngôn của chính trị gia này bị cho là "không phù hợp" và "thiếu nhạy cảm" trong bối cảnh người dân Nhật Bản đang vật lộn với tình trạng giá gạo leo thang chóng mặt.

Bộ trưởng Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Ngư nghiệp Eto Taku. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Trước sự chỉ trích dữ dội của dư luận trong nước, ông Eto Taku đã phải công khai xin lỗi. Sau sự cố, ông được vợ cho biết lúc nhà hết gạo, bà vẫn phải tự đi mua chứ gia đình ông "không hoàn toàn" sống dựa vào số gạo được tặng. Rút lại những phát ngôn "có vấn đề", ông Eto Taku cũng quyết định đệ đơn từ chức, trở thành thành viên đầu tiên trong nội các của Thủ tướng Ishiba Shigeru phải rời nhiệm sở. Tờ The Japan Times cho biết, Thủ tướng Ishiba Shigeru sau đó đã bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Môi trường Koizumi Shinjiro làm người thay thế ông Eto Taku.

Trong vòng một năm trở lại đây, giá gạo tại Nhật Bản liên tục lập đỉnh và đã tăng gấp đôi. Theo tờ The Guardian, nguyên nhân chủ yếu của tình trạng này là sản lượng gạo giảm do thời tiết nắng nóng trong khi nhu cầu tăng mạnh vì du lịch bùng nổ, tâm lý tích trữ của người dân sau cảnh báo siêu động đất. Thêm vào đó là thực trạng các thương lái "găm hàng" chờ thời điểm thích hợp để bán ra.

Tờ The Yomiuri Shimbun cho biết, giá gạo đắt đỏ đang khiến người tiêu dùng Nhật Bản thay đổi thói quen ăn uống như trộn thêm lúa mạch nếp vào gạo, chuyển từ gạo sang các loại thực phẩm được chế biến từ bột mì như bánh mì, mì ống. Theo nhà sản xuất và cung ứng lúa mạch nếp Hakubaku Co., tính đến tháng 3 năm nay, doanh số bán hàng hằng tháng của doanh nghiệp này đã tăng 11 tháng liên tiếp. Một cuộc khảo sát của công ty nghiên cứu True Data Inc. cho thấy, so với cùng kỳ năm ngoái, lượng pizza đông lạnh bán ra tại các siêu thị năm nay đã tăng 24% trong khi doanh số bán gạo giảm 10%. Cùng với đó, người dân Nhật Bản cũng đang dần thay đổi quan điểm về gạo nhập khẩu. Đầu tháng 3 vừa qua, chuỗi siêu thị giá rẻ OK đã bắt đầu bán gạo Calrose từ California (Mỹ)-giống gạo hạt cỡ trung bình, có giá rẻ hơn giống gạo hạt ngắn của Nhật Bản-tại 10 cửa hàng của mình. Với doanh số bán hàng cao, OK đã tăng cường cung cấp gạo Calrose tại 54 cửa hàng trên toàn quốc kể từ giữa tháng 4 năm nay.

Trên thực tế, để bảo đảm nguồn cung gạo lưu thông ổn định hơn, đến nay, Chính phủ Nhật Bản đã tiến hành 3 đợt đấu giá, tung ra thị trường hơn 300.000 tấn gạo lấy từ kho dự trữ quốc gia. Theo AFP, đây là lần đầu tiên kể từ năm 1995, Nhật Bản phải mở kho dự trữ quốc gia vì vấn đề chuỗi cung ứng. Tờ The Asahi Shimbun dẫn lời tân Bộ trưởng Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Ngư nghiệp Koizumi Shinjiro thông báo Chính phủ Nhật Bản còn có thể tung ra thị trường nhiều hơn so với con số 610.000 tấn gạo lấy từ kho dự trữ quốc gia như kế hoạch ban đầu. Song song với đó, tờ The Guardian cho biết hồi tháng 4 năm nay, lần đầu tiên trong 1/4 thế kỷ qua, Nhật Bản đã nhập khẩu gạo từ Hàn Quốc. Phát biểu trước Quốc hội mới đây, Thủ tướng Ishiba Shigeru cam kết sẽ đưa giá gạo về mức 3.000 yen (khoảng 20USD)/5kg, thấp hơn mức giá trung bình 4.268 yen/5kg hiện nay. "Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm nếu giá gạo vẫn cao", Thủ tướng Ishiba Shigeru khẳng định.

HOÀNG VŨ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.