"Tại Thiên Tân, thấy mọi người mua sắm mọi thứ đều qua mạng, tôi quyết định thử. Trong vòng 4 ngày, đơn hàng đã được giao tận nhà... Trên mạng, sản phẩm gì cũng có, giá lại rẻ hơn nhiều so với tại cửa hàng. Bận đi làm, không có thời gian dành cho mua sắm, vì vậy mua hàng trực tuyến giúp tôi giải quyết được nhiều vấn đề", Xie nhớ lại trải nghiệm tuyệt vời của mình. Trải nghiệm đó dần trở thành thói quen hằng ngày, khi Xie dành thời gian rảnh lướt qua các cửa hàng trực tuyến và tiếp tục đặt đơn. Năm 2017, cô trở về Ganjiang khi mang thai đứa con thứ hai.

Khi ấy, cuộc sống thôn quê không thuận tiện cho mua sắm online. Nếu các thành phố như Thiên Tân đã có dịch vụ giao hàng trong vòng 48 giờ, thì tại Ganjiang, nhiều lần Xie nhận thông báo hàng giao trễ, thậm chí “không thể giao hàng” do khu vực “không được hỗ trợ vận chuyển” hoặc “áp dụng phí vận chuyển bổ sung”; có lúc, phí vận chuyển cao hơn giá sản phẩm. Đôi khi, Xie phải tự tới thị trấn để lấy hàng...

Nhân viên của một nền tảng thương mại điện tử phân loại bưu kiện tại kho hàng ở tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc. Ảnh: VCG 

Năm 2024, mọi thứ đã thay đổi. "Giờ đây, các đơn hàng đều miễn phí vận chuyển và được giao tận nơi chỉ trong 2-3 ngày, rất tiện lợi!”, Xie chia sẻ với China Daily. “Giao hàng nhanh và thương mại điện tử đã trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống của chúng tôi... Người già hay trẻ nhỏ đều mua sắm online. Đơn giao hàng đến nhiều tới mức, đôi khi chúng tôi phải xếp hàng để nhận đơn”, Zhao Xiaohong, một dân làng tại Ganjiang cho biết thêm.

Sự phổ biến của thương mại điện tử cũng góp phần làm suy giảm sức hấp dẫn của thành thị. “Ở nông thôn giờ có nhiều cơ hội việc làm và gần như thứ gì bạn cần đều có thể mua online, được giao tận nhà. Chúng tôi không còn muốn đổ xô ra thành phố nữa”, Zhao tỏ ra hào hứng.

Những gì từng có vẻ xa vời, giờ đã trở thành một phần cuộc sống thường nhật ở Ganjiang. Thương mại điện tử và mạng lưới giao hàng nhanh đã mở rộng đến các khu vực xa xôi ở Trung Quốc, giúp tái định hình cuộc sống người dân nông thôn. Đối với Xie, Zhao và người dân làng Ganjiang, việc dễ dàng nhận được mọi thứ từ nhu yếu phẩm hằng ngày đến các mặt hàng đặc biệt khiến cuộc sống nông thôn trở nên gắn kết hơn với thế giới, thu hẹp khoảng cách địa lý thành thị-nông thôn, thay đổi văn hóa tiêu dùng.

Sự phát triển của mạng lưới giao hàng một mặt giúp người dân vùng nông thôn Trung Quốc dễ tiếp cận các sản phẩm đời sống hiện đại, mặt khác, tạo điều kiện đưa hàng nông sản đi tiêu thụ tại các thành phố lớn trên cả nước.

Nhân viên xử lý bưu kiện tại một trung tâm phân phối ở Yucheng, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: China Daily 

Năm 2024, ngành giao hàng của Trung Quốc đạt mốc kỷ lục, với việc xử lý hơn 150 tỷ bưu kiện, đánh dấu khả năng phục hồi kinh tế của đất nước cũng như hiệu quả của hệ thống logistics và thương mại điện tử.

“Sự phát triển của thương mại điện tử và ngành giao hàng nhanh đem tới sự tiện lợi cho người dân, đồng thời trở thành động lực kích thích sản xuất. Vòng tuần hoàn lành mạnh này đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, củng cố vị thế dẫn đầu của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu", Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển bưu chính thuộc Đại học Bưu chính Viễn thông Bắc Kinh Zhao Guojun nhận định.

Lâu nay, Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ vào xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm phát triển mạng lưới giao hàng tại các khu vực phía Tây đất nước, từ đó giải quyết các rào cản đối với thương mại điện tử. Nhờ những cải tiến này, các sản phẩm nông nghiệp và chăn nuôi từ các vùng xa xôi phía Tây như Changji, Tân Cương, Tây Tạng hiện đã được phân phối đến người tiêu dùng trên khắp Trung Quốc, mở ra thị trường mới cho việc tiêu thụ các đặc sản vùng miền.

HÀ PHƯƠNG

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.