Ông Christian, giám đốc Nokia Siemens Networks khu vực CA-TBD trả lời phỏng vấn

QĐND Online- “Trong nhiều năm qua, Việt Nam đã chứng minh rằng quyết tâm thực hiện vấn đề gì là sẽ làm được”, đó là lời khẳng định của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về những quan ngại của các nhà đầu tư vào Việt Nam trong Hội nghị Việt Nam-Ngôi sao đang lên ở châu Á, diễn ra sáng ngày 8-1 tại Hà Nội.

Việt Nam đang nổi lên trên thế giới như một ngôi sao

Với những thành tựu đạt được khá toàn diện trên các lĩnh vực, Việt Nam đang là một nền kinh tế kinh tế thị trường năng động có nhiều triển vọng phát triển, giành được sự quan tâm cao của các Nhà tài trợ, đồng thời là điểm đến an toàn, ngày càng hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trên thế giới. Từ năm 1993 đến nay, có trên 50 Nhà tài trợ song phương và đa phương đã cung cấp nguồn Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam với mức cam kết năm sau cao hơn năm trước, tổng cộng trên 42 tỷ USD. Tại Hội nghị các Nhà tài trợ tháng 12 năm 2007 vừa qua, số vốn ODA cam kết tài trợ cho Việt Nam là 5,4 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Đến cuối năm 2007 đã có 9.500 dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam đến từ 80 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với số vốn đăng ký trên 100 tỷ USD.

Ông Charles Goddard - Trưởng biên tập khu vực Châu Á-Thái Bình Dương của The Economy nhấn mạnh: “Việt Nam đang nổi lên trên thế giới như một ngôi sao. Mục tiêu của hội nghị là đưa doanh nghiệp đối thoại với chính phủ, doanh nghiệp với doanh nghiệp để đề ra ý tưởng, các mối quan tâm và cùng lắng nghe để hiểu nhau. Những năm gần đây, nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng nhanh liên tục và nổi lên như một câu chuyện thành đạt kinh tế mới nhất ở khu vực.

Đất nước Việt Nam đang đổi mới từng ngày và chuyển mình từ một xã hội nông nghiệp sang xã hội công nghiệp hoá. Trong quá trình chuyển mình đó, có biết bao cơ hội và thách thức. Bao ngành nghề mới nảy sinh, bao dự án mời gọi đầu tư, bao thương vụ xuất hiện, bao thời cơ tìm kiếm lợi nhuận đang chờ đón và bao vận hội để thành công, thành đạt đang ở trước mặt chúng ta...»

Tuy nhiên, Ông Charles cũng cho biết «Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn còn là một nước nghèo với mức thu nhập thấp, đang trong giai đoạn chuyển đổi nền kinh tế, nên còn rất nhiều khó khăn thách thức...»

Những vấn đề các nhà đầu tư quan tâm nhiều nhất

Các doanh nghiệp thảo luận bên lề hội nghị.

Christian Fredrikson, giám đốc Nokia Siemens Networks khu vực CA-TBD quan tâm đến việc Chính phủ cần sự hỗ trợ gì từ doanh nghiệp nước ngoài để phát triển nghành CNTT đạt mục tiêu đến 2015 nối mạng cho tất cả các gia đình?

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết: «Thật tiếc là Nokia chưa đầu tư vào cơ sở hạ tầng của ngành viễn thông mà mới chỉ bán điện thoại di động ở Việt Nam. Việt Nam hiện đã có 9 công ty viễn thông và từ 2008 đến 2010 sẽ khuyến khích cổ phần hoá và xây dựng hệ thống băng thông rộng».

Ông Stuart Dean, Chủ tịch tập đoàn General Electric (GE-Mỹ) lại chú trọng đến vấn đề phát triển cơ sở hạ tầng nào, Việt Nam đã làm gì để đón đầu phát triển và tiếp nhận kinh nghiệm từ các nước khác?

Trong lĩnh vực này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: «Việt Nam chú trọng phát triển xây dựng hạ tầng cở sở kinh tế. Đây là nhu cầu lớn. Về hạ tầng đặc biệt quan tâm đến giao thông và điện lực. Trong đó giao thông cần xây dựng đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc (tàu điện ngầm ở 2 thành phố lớn), hàng không và cảng biển. Về điện lực cuối năm 2007 để đảm bảo phát triển tăng trưởng từ 12 đến 15%. Cuối năm 2007 Việt Nam đã sản xuất được 60 tỷ KW điện, dự kiến 115 đến 120 tỷ KW/h năm 2010. Công suất hiện nay là 14 nghìn MW, đến năm 2010 tăng gấp đôi.

Ngoài ra, Việt Nam chủ động khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước đầu tư bằng nhiều hình thức. Thủ tướng cũng nhấn mạnh, một vấn đề cần phát triển hơn nữa đó là giáo dục, y tế, công nghệ thông tin…"

Các nhà đầu tư cũng rất quan tâm đến, việc Chính phủ Việt Nam đã cam kết chống tham nhũng, là một trong những vấn đề gây quan ngại và cũng ảnh hưởng lớn tới việc đầu tư của các doanh nghiệp. Do vậy các nhà đầu tư muốn biết tiến độ thực hiện đến đâu để đảm bảo quyền lợi cho các nhà đầu tư?

Về vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng khẳng định: «Tham nhũng không chỉ có ở Việt Nam mà nước nào cũng có. Nhưng Việt Nam coi đây là thách thức cho sự tồn vong của đất nước và Việt Nam khẳng định sẽ diệt trừ tận gốc nạn tham nhũng. Hơn 70 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, Việt Nam đã chứng minh có quyết tâm là sẽ làm được nên khẳng định Việt Nam sẽ diệt trừ được nạn tham nhũng . Tuy nhiên, Việt Nam nhận thức được quá trình này phải kiên quyết, kiên trì, liên tục, có các giải pháp đồng bộ và đúng pháp luật. Vì tham nhũng là hành vi vi phạm phát luật nhưng cũng là hành vi đạo đức của con người. Việt Nam đã đạt được những kết quả bước đầu nhưng vẫn cần có các giải pháp lớn. Đó là hoàn thiện thể chế luật pháp theo cơ chế thị trường. Thứ hai là cải cách hành chính, thủ tục, công khai minh bạch, phát huy quyền dân chủ của người dân. Ba là xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng, có tác dụng răn đe phòng ngừa. Cải thiện từng bước đời sống cán bộ công chức”...

Đây thực sự là một nỗ lực lớn của Việt Nam đã đạt được trong những năm qua và điều đó đã minh chứng cho sự phát triển của ngày càng mạnh của Việt Nam. Những cố gắng to lớn đó đã được các nhà đầu tư nước ngoài nhận biết rõ nhất và điều đó cũng đã được một tập đoàn lớn như Nokia-Siemens nhận thấy: “Về những khó khăn còn tồn tại như Thủ tướng đã nêu: tham nhũng, hạ tầng cơ sở.... những mặt trái của mở nền kinh tế thị trường, tôi đã thấy những bằng chứng về những khó khăn này đang được tháo gỡ”, ông Christian, giám đốc Nokia Siemens Networks khu vực CA-TBD đã nhấn mạnh như vậy sau Hội nghị.

Bài và ảnh: Hồng Anh-Thu Hùng