Theo trang mạng USNI News, trong một bức thư chung gửi Tổng thống Joe Biden, Hạ nghị sĩ Mike Rogers thuộc Đảng Cộng hòa-Chủ tịch Ủy ban Quân vụ của Hạ viện Mỹ (HASC) cùng một số thành viên chủ chốt khác của HASC gồm Hạ nghị sĩ Adam Smith thuộc Đảng Dân chủ, Hạ nghị sĩ Trent Kelly thuộc Đảng Cộng hòa và Hạ nghị sĩ Joe Courtney thuộc Đảng Dân chủ đã đề nghị ông chủ Nhà Trắng tiếp tục kế hoạch mua 2 SSN lớp Virginia/năm nhằm hai mục tiêu.

Mục tiêu thứ nhất là góp phần duy trì "sức khỏe" của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ. Từ năm 2011, Quốc hội Mỹ đã đồng ý và phân bổ ngân sách để hải quân nước này mua 2 SSN lớp Virginia/năm. HASC cho rằng đây chính là động lực "thúc đẩy các nhà cung cấp đầu tư lớn về vốn và mở rộng năng lực sản xuất". Việc thay đổi kế hoạch mua sắm sẽ "khiến các nhà cung cấp mất niềm tin". Trên thực tế, trang mạng Defense News cho biết, ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ đã nhiều lần đánh tiếng không tăng năng lực sản xuất “nếu không có được cam kết vững chắc hơn từ Chính phủ” mặc dù chi tiêu quốc phòng và nhu cầu vũ khí của Washington gia tăng đáng kể trong bối cảnh chiến sự nổ ra ở một số khu vực trên thế giới.

Mục tiêu thứ hai, theo HASC, là bảo đảm "đủ năng lực tàu ngầm" đáp ứng yêu cầu xây dựng hạm đội tàu chiến của Mỹ, đồng thời cung cấp các SSN lớp Virginia cho Australia theo thỏa thuận trong khuôn khổ AUKUS. AUKUS ra đời từ tháng 9-2021, được chia thành hai trụ cột, với trụ cột 1 là Australia chế tạo SSN dưới sự hỗ trợ của Mỹ và Anh, còn trụ cột 2 là hợp tác phát triển “các năng lực quốc phòng tân tiến” liên quan tới các lĩnh vực như công nghệ lượng tử, trí tuệ nhân tạo (AI), các năng lực siêu thanh và chống vũ khí siêu thanh...

Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) cho biết, vì Australia có thể phải mất nhiều thập niên mới tự chế tạo được SSN nên tạm thời, Washington sẽ bán "một số lượng giới hạn" SSN lớp Virginia cho Canberra, cụ thể là khoảng 3-5 chiếc, gồm cả tàu mới lẫn tàu đã qua sử dụng. Australia được cho là sẽ nhận SSN lớp Virginia đầu tiên từ Mỹ vào đầu thập niên 2030. "Bất cứ sự thay đổi nào đối với kế hoạch mua 2 SSN /năm đều gây tác động mạnh cả trong và ngoài nước, với cả các đồng minh và đối thủ của chúng ta. Chúng tôi mong muốn những khoản đầu tư cần thiết và ổn định trong chương trình tàu ngầm tấn công của chúng ta", bức thư nêu rõ.

leftcenterrightdel

Tàu ngầm lớp Virginia USS South Dakota (SSN-790) của hải quân Mỹ. Ảnh: defense.gov 

Theo USNI News, thông điệp lưỡng đảng nói trên được đưa ra sau khi xuất hiện thông tin Nhà Trắng và Lầu Năm Góc đang cân nhắc sẽ chỉ mua một SSN lớp Virginia trong tài khóa 2025. Lầu Năm Góc cũng được cho là đang xem xét việc chuyển trọng tâm đầu tư từ "các chương trình truyền thống" như tàu chiến sang các "sáng kiến cấp bách" như máy bay không người lái.

USNI News nhấn mạnh, giới chức Lầu Năm Góc cũng như hải quân Mỹ lâu nay thất vọng với tốc độ sản xuất của ngành công nghiệp đóng tàu ngầm trong nước "vốn đã bị chậm tiến độ với tổng thời gian lên tới hơn 400 tháng tính đến năm ngoái". Theo trang mạng Defense News, ngành công nghiệp đóng tàu ngầm của Mỹ đã bị thu hẹp tới khoảng 70% khi hải quân Mỹ "nghỉ" mua sắm tàu ngầm sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Ngành này bắt đầu sản xuất trở lại vào năm 1998 với tốc độ 1 SSN/năm. Tuy rằng hải quân Mỹ đặt mục tiêu mua 2 SSN lớp Virginia/năm từ năm 2011, song ngành công nghiệp đóng tàu ngầm "rõ ràng đã không đáp ứng được". Giới chức hải quân Mỹ nhận định, để thực hiện thỏa thuận cung cấp tàu ngầm trong khuôn khổ AUKUS, ngành công nghiệp đóng tàu ngầm của nước này cần đạt tốc độ sản xuất trung bình là 2,33 SSN/năm. Thế nhưng, con số thực tế hiện nay mới chỉ là 1,3 SSN/năm.

HOÀNG VŨ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.