Khoảng 50 triệu tấn cam được trồng mỗi năm trên thế giới, 34% trong số đó ở Brazil. Tính đến nay, Brazil là nhà xuất khẩu nước cam lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 70% nguồn cung toàn cầu. Các vùng trồng cam của Brazil gần đây đã phải chịu ảnh hưởng bởi tình trạng hạn hán và nắng nóng, cũng như bệnh vàng lá gân xanh.

leftcenterrightdel

Nông dân thu hoạch cam ở Brazil. Ảnh: Bloomberg 

Do đó, sản lượng cam ở Brazil được dự báo sẽ giảm hơn 24% trong mùa vụ 2024-2025. Đây là vụ thu hoạch có năng suất thấp nhất của đất nước Mỹ Latin này kể từ cuối thập niên 1980. Cùng với Brazil, sản lượng ở các vùng trồng cam lớn khác như: Bang Florida (Mỹ), Israel, Tây Ban Nha và Argentina cũng suy giảm. Những áp lực này khiến giá nước cam cô đặc tăng cao.

Theo Financial Times, giá nước cam đã gặp khó khăn kể từ cuối năm 2022, khi bão và rét đậm tàn phá vườn cam ở bang Florida, khu vực trồng cam chính ở Mỹ-nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới. Tuy nhiên, giá nước cam bắt đầu tăng nhanh trong bối cảnh vụ mùa thất thu tại Brazil khiến thị trường lo lắng. Giá nước cam cô đặc được giao dịch trên sàn giao dịch liên lục địa Intercontinental Exchange đạt 4,92USD/pound vào ngày 28-5, gần gấp đôi so với giá cùng kỳ năm trước. Chủ tịch Hiệp hội Nước ép rau quả quốc tế (IFU) Kees Cools cho biết: “Đây là một cuộc khủng hoảng. Chúng tôi chưa bao giờ thấy điều gì tương tự, ngay cả trong những đợt băng giá và bão lớn”. 

Tình trạng giá nước cam tăng gây ảnh hưởng tới túi tiền của người tiêu dùng và có thể định hình lại ngành công nghiệp nước cam toàn cầu. Tại Nhật Bản, quốc gia thường nhập khẩu 90% nước cam, giá nước cam tăng vọt chưa từng thấy do nguồn cung thiếu hụt bởi thiên tai và bệnh hại cây ăn quả tại các nước sản xuất cam. Một nguyên nhân khác khiến giá nước cam tăng là đồng yên yếu. Do đó, chi phí nhập khẩu nước cam cao. Điều này đã buộc nhiều nhà sản xuất Nhật Bản phải tạm dừng bán các sản phẩm nước cam.

DƯƠNG ANH

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.