Trong tuần này, các cuộc đàm phán gián tiếp giữa Israel và Hamas đã diễn ra ở thủ đô Doha của Qatar. Nỗ lực hướng tới lệnh ngừng bắn trong 60 ngày và chấm dứt các cuộc giao tranh kéo dài hơn 20 tháng qua tại dải Gaza cũng là vấn đề chi phối các cuộc gặp giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Washington. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thỏa thuận ngừng bắn nào cho Gaza.
CBS News cho hay, hồi đầu tuần, chính quyền của Tổng thống Donald Trump từng tỏ ra lạc quan rằng một thỏa thuận giữa Israel và Hamas có thể được ký kết ngay trong cuối tuần này. "Chúng tôi hy vọng rằng đến cuối tuần này, chúng tôi sẽ đạt được một thỏa thuận đưa chúng tôi vào lệnh ngừng bắn kéo dài 60 ngày”, ông Steve Witkoff, Đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump chia sẻ.
 |
Một tòa nhà thương mại ở thành phố Gaza bị phá hủy sau các cuộc không kích của Israel. Ảnh: Anadolu |
Trả lời phỏng vấn báo chí, ông Donald Trump cũng cho rằng thỏa thuận ngừng bắn tại dải Gaza đang đứng trước cơ hội rất tốt và có thể sớm đạt được. “Chúng ta có cơ hội trong tuần này hoặc tuần tới”, người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố đầy lạc quan. Tuy nhiên, sau đó, một quan chức cấp cao của Israel cho biết có thể sẽ mất thêm 20 ngày nữa để đạt được thỏa thuận.
Những điểm bế tắc bao gồm yêu cầu của Hamas về việc tự do vận chuyển hàng viện trợ vào Gaza và Israel phải rút quân khỏi Gaza. Phong trào này cũng cho biết họ muốn có "những đảm bảo thực sự" về một nền hòa bình lâu dài. Trong khi đó, Thủ tướng Benjamin Netanyahu nêu quan điểm rằng, việc giải giáp và vô hiệu hóa Hamas là "điều kiện cơ bản" đối với Israel và hy vọng điều này có thể đạt được thông qua đàm phán. Tuy nhiên, ông Benjamin Netanyahu tuyên bố nếu điều đó không xảy ra thông qua đàm phán trong vòng 60 ngày, Israel sẽ phải đạt được bằng các biện pháp khác, cụ thể là bằng sức mạnh quân sự.
Trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Die Presse của Áo, Bộ trưởng Ngoại giao Israel Gideon Saar cho biết một lệnh ngừng bắn lâu dài sẽ được thảo luận, nhưng thừa nhận “vẫn còn những bất đồng lớn”, đặc biệt là việc làm thế nào để ngăn chặn Hamas kiểm soát dải Gaza sau chiến tranh.
Tình hình Gaza vừa chứng kiến thay đổi lớn khi lần đầu tiên sau hơn 4 tháng qua, một lô nhiên liệu đã được vận chuyển tới vùng đất này. Mặc dù vậy, Tân Hoa xã dẫn thông báo của các tổ chức nhân đạo Liên hợp quốc cho biết, số nhiên liệu này chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của người dân nơi đây. Cụ thể, theo Văn phòng Điều phối các vấn đề nhân đạo của Liên hợp quốc (OCHA), 75.000 lít nhiên liệu mà Israel cho phép mang vào dải Gaza hồi giữa tuần thậm chí không đủ để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu trong một ngày.
Theo Reuters, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Kaja Kallas mới đây cũng tiết lộ rằng Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được thỏa thuận với Israel về việc cải thiện tình hình nhân đạo ở Gaza, bao gồm tăng số lượng xe chở hàng viện trợ và mở các cửa khẩu, tuyến đường viện trợ vào Gaza. Tuy nhiên, nhiên liệu và hàng viện trở chỉ là một trong số rất nhiều vấn đề mà Gaza đang phải đối mặt, bởi những con số về thương vong và cơ sở hạ tầng bị phá hủy vẫn được báo cáo hằng ngày. Trong khi đó, hy vọng về một lệnh ngừng bắn vẫn còn rất mơ hồ.
ANH VŨ
*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.