Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), đồng thời cũng là láng giềng trong khu vực Biển Đen có mối quan hệ tốt với cả Nga và Ukraine. Kể từ sau khi nổ ra xung đột tại Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ luôn quyết tâm thể hiện vai trò trung gian hòa giải cân bằng. Thành công nổi bật nhất với vai trò này của Ankara là thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine đi qua Biển Đen, được dư luận quốc tế đánh giá tích cực vì đã góp phần giải quyết mối đe dọa an ninh lương thực toàn cầu.
 |
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin ở Sochi. Ảnh: The Guardian |
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đóng góp không nhỏ vào nỗ lực tìm giải pháp cho cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine. Hồi tháng 3 vừa qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã tổ chức một cuộc gặp giữa các nhà đàm phán Moscow và Kiev tại Istanbul và một cuộc gặp khác giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Ukraine Dmytro Kuleba tại Antalya. Để sắp xếp và thúc đẩy các cuộc đàm phán đó, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gặp các nhà hoạch định chính sách từ Nga, Ukraine và các quốc gia khác trong khoảng 15 cuộc họp riêng biệt, trong khi Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã tham dự khoảng 40 cuộc họp như vậy.
Trong bài phát biểu mới đây tại thủ đô Ankara, Tổng thống Erdogan cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực hết sức có thể để ngăn chặn cuộc xung đột Nga-Ukraine và hướng tới kết thúc trong hòa bình. Mục tiêu tiếp theo của Ankara là tổ chức cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Để xúc tiến tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh này, hồi đầu tháng 8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã gặp Tổng thống Putin ở Sochi (Nga). Sau đó vài ngày, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã thực hiện chuyến thăm tới Ukraine, lần đầu tiên kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, để đưa ra thông điệp rằng Ankara đang tiếp cận cuộc xung đột với một chính sách cân bằng và vẫn sẵn sàng tổ chức các cuộc đàm phán ngừng bắn.
Dĩ nhiên, ngoài mục tiêu ngăn chặn một cuộc xung đột có thể gây tác động trên phạm vi toàn cầu, vai trò trung gian hòa giải cũng đem đến cho Ankara nhiều lợi ích khác. Trước hết là có thể duy trì quan hệ với cả hai đối tác quan trọng là Nga và Ukraine. Nga là bạn hàng hàng đầu của Thổ Nhĩ Kỳ, cung cấp 45% lượng khí đốt tự nhiên và 70% lúa mì nhập khẩu. Còn Ukraine thì là địa bàn hấp dẫn, hiện thu hút 4,5 tỷ USD của các nhà đầu tư Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong bối cảnh quan hệ Nga-phương Tây căng thẳng và đổ vỡ như hiện nay, nếu giúp giảm nhiệt cuộc xung đột Nga-Ukraine hoặc đưa hai bên quay lại bàn đàm phán, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ là quốc gia duy nhất tiếp cận hiệu quả cả với Moscow và Kiev. Từ đó nâng cao vai trò của Thổ Nhĩ Kỳ như một đối tác quan trọng trong khu vực.
Điều này cũng có thể khiến NATO nhìn lại vị trí của Thổ Nhĩ Kỳ trong khối, nơi mà Ankara luôn bị coi là đối tác “thiếu thiện chí”, thậm chí là một thành viên khó sống chung khi sẵn sàng vì lợi ích của mình mà đối chọi với các thành viên khác, ngay cả Mỹ.
Trang Atlantic Council cho rằng có thể đánh giá chính sách ngoại giao khôn khéo của Ankara trên 3 phương diện, đó là hỗ trợ Kiev và thể hiện tình đoàn kết với phương Tây, tránh xung đột công khai với Moscow và tăng sức nặng ngoại giao trong khu vực của Ankara. Trên cả 3 phương diện này, Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện khá tốt.
Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp viện trợ quân sự sớm, đặc biệt là máy bay không người lái có vũ trang cho Ukraine, nhưng cũng định vị mình như một bên trung gian. Thổ Nhĩ Kỳ không áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga. Ngược lại, Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục nhập khẩu dầu và khí đốt của Nga.
Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Nga Vladimir Putin vào đầu tháng này, hai nước nhất trí tăng thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2030 và hợp tác trong các dự án năng lượng và những sáng kiến chống khủng bố.
Đặc biệt, thỏa thuận về hành lang xuất khẩu ngũ cốc cho thấy ảnh hưởng của Thổ Nhĩ Kỳ trong vai trò trung gian hòa giải cuộc xung đột Nga-Ukraine đang ngày càng gia tăng. Điều này cũng tạo tiền đề giúp Ankara tiếp tục đóng vai trò nhất định với những thỏa thuận hòa bình có thể đạt được trong tương lai.
Có thể thấy, vị thế độc đáo và tầm quan trọng địa chính trị của Thổ Nhĩ Kỳ với cả Nga và NATO khiến Ankara có thể thực hiện chính sách trung lập "độc nhất vô nhị" khi căng thẳng Moscow-Kiev bùng phát. Tuy nhiên, theo Politico, Thổ Nhĩ Kỳ đang bước những bước thận trọng đối với việc duy trì thế cân bằng chiến lược trong quan hệ giữa Ankara và Nga cũng như với NATO. Mục tiêu cao nhất của động thái này chính là mang lại lợi ích chiến lược cho Thổ Nhĩ Kỳ.
NGỌC HÂN