Theo AFP, Liên hợp quốc (LHQ) đã lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế không lãng quên những bất công mà phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan phải đối mặt trong bối cảnh có nhiều cuộc khủng hoảng diễn ra trên thế giới.

Trong một thông điệp vào ngày tròn một năm Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan (15-8), Giám đốc điều hành Quỹ Dân số LHQ (UNFPA) Natalia Kanem nhấn mạnh: “Khi thế giới phải đối mặt với nhiều cuộc khủng hoảng chồng chéo, chúng ta không được quên phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan. Khi các quyền cơ bản của phụ nữ và trẻ em gái bị từ chối, tất cả chúng ta đều bị ảnh hưởng”.

 Một phụ nữ Afghanistan trùm kín đầu đi trên đường phố. Ảnh: EPA-EFE

Theo bà Kanem, Taliban đã làm xói mòn quyền tiếp cận của họ đối với giáo dục và chăm sóc sức khỏe. Về phần mình, trong một tuyên bố, Giám đốc điều hành Cơ quan LHQ về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) Sima Bahous đã chính thức phản đối các chính sách bất bình đẳng đối với phụ nữ do Taliban thiết lập.

Bà Bahous nêu rõ: “Chúng ta phải tiếp tục nâng cao tiếng nói của phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan, những người đang đấu tranh hằng ngày cho quyền được sống tự do và bình đẳng. Cuộc chiến của họ cũng là cuộc chiến của chúng ta. Những gì đang xảy ra với phụ nữ và trẻ em gái Afghanistan là trách nhiệm của toàn thế giới”.

Sau khi Taliban có hành động trấn áp thô bạo vào một cuộc tuần hành của phụ nữ gần đây, Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ quan ngại đặc biệt về tình hình ngày càng xấu đi của phụ nữ và trẻ em gái tại Afghanistan. EU kêu gọi Taliban thay đổi chính sách và duy trì quyền của phụ nữ, trẻ em gái và nhóm người thiểu số ở quốc gia Nam Á này.

Theo Reuters, trên Twitter, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell cho biết: “Một năm sau khi Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan, các vi phạm nhân quyền trên diện rộng đang có chiều hướng gia tăng, đặc biệt là nhằm vào trẻ em gái và nhóm người thiểu số”. EU khẳng định việc khối này cung cấp hỗ trợ nhân đạo cơ bản cho người dân Afghanistan phụ thuộc một phần vào việc Taliban cần duy trì các nguyên tắc nhân quyền.

Khi trở lại nắm quyền, Taliban từng khẳng định “Taliban phiên bản 2.0” sẽ khác xa so với giai đoạn cai trị đầu tiên từ năm 1996 đến 2001. Tuy nhiên, trên thực tế, các quyền cơ bản của người dân Afghanistan, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái, đang ngày càng bị hạn chế. Những lệnh hạn chế hà khắc của Taliban đã gây ra làn sóng phẫn nộ trên toàn thế giới. Điều đó khiến lời hứa hẹn của Taliban về các quy định mới ôn hòa hơn bị cộng đồng quốc tế hoài nghi.

Phái bộ hỗ trợ của LHQ tại Afghanistan (UNAMA) nêu rõ, các sắc lệnh của Taliban đối với phụ nữ và trẻ em gái đã dẫn đến những hạn chế nghiêm trọng đối với quyền con người, làm họ bị loại khỏi hầu hết khía cạnh của cuộc sống hằng ngày.

Hồi tháng 3 năm nay, Taliban cấm phụ nữ đi máy bay mà không có đàn ông đi cùng, đồng thời yêu cầu các công viên mở cửa riêng cho nam và nữ, trong đó 3 ngày dành cho nữ giới và 4 ngày cho nam giới. Còn hồi tháng 5, Taliban đã ra sắc lệnh yêu cầu phụ nữ phải mặc áo trùm kín đầu ở nơi công cộng và yêu cầu họ nếu không có công việc quan trọng bên ngoài thì “tốt hơn là nên ở nhà”.

Ngoài ra, hồi tháng 7 vừa qua, Taliban yêu cầu các nữ nhân viên thuộc Bộ Tài chính Afghanistan phải cử một người thân là nam giới đến làm việc thay thế họ. Theo The Guardian, cô Maryam, 37 tuổi, kể lại: “Họ yêu cầu tôi đề xuất một người đàn ông trong gia đình tới Bộ Tài chính làm thay để có thể sa thải tôi”. Trong khi cô Maryam có bằng thạc sĩ về quản trị kinh doanh và đã làm việc hơn 15 năm ở cơ quan này. Hành vi đàn áp phụ nữ cũng làm bùng phát nhiều cuộc biểu tình trên đường phố Afghanistan. Khi bị Taliban bắt giữ, họ thường bị tra tấn cả về thể xác lẫn tinh thần. 

Dưới sự cai trị ngày càng khắc nghiệt của Taliban, Afghanistan đã rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế và nhân đạo nghiêm trọng. Theo thống kê của LHQ, hiện có khoảng 25 triệu người dân Afghanistan, tức là hơn một nửa dân số nước này đang sống trong nghèo đói. Trong khi đó, nền kinh tế đình trệ có thể khiến 900.000 người bị mất việc làm trong năm nay. 

Tờ Nikkei Asia nhận định, thay vì tập trung giải quyết các vấn đề của Afghanistan, Taliban dường như lại bận tâm tới việc thiết lập “nắm đấm sắt”. Giám đốc điều hành Bahous của UN Women cho biết: “Những hạn chế của Taliban trong vấn đề việc làm của phụ nữ ước tính dẫn đến thiệt hại kinh tế lên tới 1 tỷ USD, tương đương 5% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Afghanistan”.

LÂM ANH