Trong nhiều năm, vụ tai nạn tàu hỏa gần ngôi làng nhỏ Saint-Michel-de-Maurienne của Pháp vẫn được coi là thảm họa lớn nhất về số nạn nhân trong lịch sử ngành đường sắt không chỉ ở Pháp, mà còn ở châu Âu trong thế kỷ XX. Cho đến ngày nay, nó vẫn là thảm họa tàu hỏa lớn nhất trong lịch sử chiến tranh.
Ngay trước thảm họa là trận Caporetto
Thảm họa tàu hỏa ở thung lũng Maurienne luôn được nhìn nhận trong bối cảnh Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Vụ việc diễn ra vào thời điểm giao tranh ác liệt, nên nó đã nhanh chóng bị lãng quên. Lúc đầu, các nhà chức trách Pháp chỉ đơn giản là che giấu thông tin về thảm kịch, mãi 4 ngày sau đó mới được các tờ báo đưa tin một cách hạn chế.
 |
Khắc phục hậu quả vụ tai nạn đường sắt tại Saint-Michel-de-Maurienne. Nguồn: wikimedia.org |
Toàn bộ dữ liệu lưu trữ về thảm họa đã được giải mật trong nhiều thập kỷ sau khi chiến tranh kết thúc. Chẳng hạn, mãi đến năm 2007 mới có thể xác định chính xác số lượng nạn nhân của thảm kịch, khi tất cả các kho lưu trữ được mở để phục vụ các nhà nghiên cứu. Trong khi đó, ngay tại Pháp, vẫn có những dị bản cho rằng, thảm họa đã cướp đi sinh mạng của khoảng 700 người.
Yếu tố thứ hai góp phần khiến thảm họa nhanh chóng bị lãng quên ngay cả ở Pháp, dù lớn nhất trong lịch sử nước này, cũng có liên quan trực tiếp đến chiến tranh. Tổng số thương vong trong vụ tai nạn tàu hỏa gần làng Saint-Michel-de-Maurienne này chỉ bằng một nửa tổn thất trung bình mỗi ngày mà quân đội Pháp hứng chịu trong chiến tranh. Trong bối cảnh đó, thậm chí cái chết của 435 người trong vụ tai nạn cũng được nhìn nhận hoàn toàn khác.
Ngay trước thảm họa vào đêm muộn ngày 12-12-1917 đã nổ ra trận Caporetto, một trong những trận đánh lớn nhất trong Thế chiến I, với sự tham chiến của 2,5 triệu người. Trong trận này, quân đội của Đức và Áo-Hung đã tiến hành một cuộc tấn công chống lại nước Ý. Kết quả, liên minh Đức-Áo đã gây ra thất bại rất nặng nề cho Quân đội Hoàng gia Ý.
Ở khu vực ngoại ô thành phố Caporetto, Bộ chỉ huy Áo-Đức đã thực hiện một trong số ít chiến dịch trong Thế chiến I để phá vỡ trận địa. Trong cuộc tấn công kéo dài đến tháng 12-1917, quân đội Ý đã lùi 70-100 km vào sâu trong lãnh thổ của mình. Phía Ý có hơn 250.000 quân bị bắt làm tù binh, trong khi chính phủ nước này buộc phải từ chức.
Thất bại đau đớn của Ý buộc các nước Entente phải can thiệp. Vì vậy, từ tháng 10-1917, quân đội Pháp và Anh bắt đầu triển khai đến khu vực này. Sự xuất hiện của các sư đoàn mới đã có tác dụng khích lệ đối với binh lính Ý và giúp ổn định tình hình trên mặt trận.
Ký ức về các sự kiện của trong chiến dịch này cũng đã được phản ánh trong văn học. Trận Caporetto và cuộc rút lui sau đó của quân Ý được miêu tả trong cuốn tiểu thuyết “Giã từ vũ khí” nổi tiếng của nhà văn Ernest Hemingway.
 |
Công việc tái thiết tại địa điểm xảy ra tai nạn tàu hỏa ở Saint-Michel-de-Maurienne. Nguồn: francetvinfo.fr |
Thảm họa tàu hỏa ở thung lũng Maurienne
Nói đúng ra, nếu quân đội Ý không thất bại trong trận Caporetto, thì đã không xảy ra thảm họa tàu hỏa ở thung lũng Maurienne. Khi đó, những người lính Pháp trở về từ mặt trận Ý để nghỉ ngơi. Chuyến tàu quân sự chở binh lính và sĩ quan đi từ nước Ý, những người này có 15 ngày nghỉ phép và được cho là sẽ gặp gỡ gia đình và người thân dịp lễ Giáng sinh. Đoàn tàu ban đầu gồm có 17 toa, tất cả đều được sản xuất tại Ý. Cũng như hầu hết các toa tàu thời kỳ đó, phần thân của chúng được làm hoàn toàn bằng gỗ, chỉ có khung và phần dẫn động là bằng sắt.
Sau khi đi qua đường hầm Mont Cenis nối hai nước Pháp và Ý, đoàn tàu quân sự đến ga Modane và có thêm hai toa nữa được gắn vào. Lúc này, tổng số toa của đoàn tàu lên tới 19 toa, trong đó có 17 toa chở khách và hai toa hành lý (nằm ở đầu và đuôi tàu).
Được biết, tổng trọng lượng của đoàn tàu lên tới 526 tấn, chiều dài 350m. Tại ga Modane, trên các toa tàu có 982 quân nhân thuộc các sư đoàn bộ binh 46 và 47 của Pháp. Lẽ ra đoàn tàu sẽ được vận hành bởi hai đầu máy hơi nước, nhưng do chiến tranh nên đầu máy thứ hai được trưng dụng để kéo một đoàn tàu chở đạn dược. Nói đúng ra, chính điều này đã dẫn đến thảm họa về sau. Đồng thời, tại Modane hầu hết các sĩ quan chuyển sang chuyến tàu khách, vốn đã rời ga trước đó đi Paris.
Sĩ quan tùy tùng Girard, người lái tàu quân sự, đã phản đối việc cử anh lái đoàn tàu chỉ với một đầu máy. Nhưng Đại úy Fayol, người điều hành giao thông đường sắt tại khu vực này, đã nhất quyết cử anh đi với lời đe dọa sẽ đưa ra tòa án.
Tình hình trở nên trầm trọng hơn khi chỉ 3 toa có phanh hơi tự động hoạt động, các toa còn lại chỉ có hệ thống phanh tay hoặc không có. Bảy công nhân đường sắt được chỉ định tham gia đoàn tàu, những người này có nhiệm vụ kích hoạt phanh tay theo tín hiệu từ đầu máy. Lúc 22 giờ 47 phút, đoàn tàu quân sự khởi hành từ ga Modane (ở độ cao 1.040 mét so với mực nước biển).
 |
Địa điểm xảy ra thảm họa tàu hỏa ở Saint-Michel-de-Maurienne, năm 2015. Nguồn: wikimedia.org |
Sự chênh lệch về độ cao giữa các khu dân cư là hơn 300m trên một đoạn đường dài khoảng 15,5km. Làng Saint-Michel-de-Maurienne nằm ở độ cao 710m so với mực nước biển. Người lái tàu đã cố gắng lái tàu chậm nhất có thể với tốc độ không quá 10 km/giờ, nhưng từ xã Freigne, tàu bắt đầu tăng tốc trên một đoạn dốc nghiêng rồi bị mất kiểm soát, và cuối cùng đạt vận tốc 135 km/giờ.
Sau khi đi qua cây cầu trên sông Arcs, cách ga Saint-Michel-de-Maurienne khoảng 1.300m, đường ray xe lửa bắt đầu bị uốn cong, trong khi ở khúc cua này tốc độ tối đa của tàu không được vượt quá 40km/giờ. Tuy nhiên, đoàn tàu quân sự đã vào khúc cua với vận tốc hơn 100km/giờ, và hậu quả là khớp nối giữa toa tăng-đe và toa đầu tiên bị gãy. Những toa khác bắt đầu dâm đồn vào toa bị trật bánh và nhanh chóng đổ sập xuống.
Tình hình càng nghiêm trọng hơn do ngọn lửa bùng phát sau đó khoảng 30-40 phút. Có thể nó đã lan sang các toa tàu bằng gỗ từ những ngọn nến đặt bên trong. Đám cháy nhanh chóng bao trùm địa điểm tai nạn. Trên khúc cua, những toa tàu đã đâm vào bức tường chắn bằng đá nằm xếp vào nhau. Nhiều người bị thương đã không thể thoát ra khỏi đống đổ nát hỗn hợp gỗ và kim loại này. Duy chỉ có mỗi đầu máy khi đến ga Saint-Michel-de-Maurienne vẫn không bị hư hại trong vụ tai nạn và dừng lại ở đó. Trong khi đó, 14 trong số 19 toa của đoàn tàu bị phá hủy hoàn toàn.
Sau vụ tai nạn, đám cháy vẫn tiếp tục kéo dài trong gần một ngày. Được biết, năm 2007 tài liệu lưu trữ quân sự đã được giải mật toàn bộ. Theo đó, thảm họa đã làm 435 người thiệt mạng, trong đó có 433 quân nhân và hai công nhân đường sắt. Trong số những người tử nạn, chỉ có thi thể của 148 người được nhận dạng. 194 người khác bị thương ở những mức độ nghiêm trọng khác nhau.
Những thảm họa tàu hỏa kinh hoàng hơn trong lịch sử
Trong lịch sử ngành đường sắt, đã xảy ra nhiều vụ tai nạn kinh hoàng hơn cướp đi sinh mạng của hàng trăm hành khách, công nhân đường sắt và những người không may gặp phải.
Một số trong đó, xảy ra trong thời bình, còn khắc sâu hơn nhiều trong trí nhớ của con người. Chẳng hạn, vụ tai nạn tàu hỏa gần thị trấn Pompon, cách thủ đô Paris của Pháp 25km, xảy ra vào ngày 23-12-1933 đã khiến 214 người thiệt mạng.
Trong thế kỷ XX, kỷ lục đáng buồn về thảm họa xảy ra ngày 12-12-1917 ở Pháp dường như đã bị vượt qua bởi vụ tai nạn đường sắt ở ngoại ô thành phố Ufa của Nga ngày 4-6-1989, khi một vụ rò rỉ khí lớn xảy ra do tai nạn tại tuyến đường ống Tây Siberia-Ural-Volga. Vụ nổ khí gas sau đó gần như phá hủy hoàn toàn hai đoàn tàu chở khách đang đi qua. Theo số liệu chính thức, 575 người đã trở thành nạn nhân của thảm kịch này.
Một vụ tai nạn tàu hỏa thậm chí còn khủng khiếp hơn đã xảy ra vào tháng 12-2004 trên đảo Sri Lanka. Hình thành do trận động đất mạnh nhất dưới đáy biển ở Ấn Độ Dương, cơn sóng thần đã ập đến khu vực đông nam đảo Sri Lanka, phá hủy một đoàn tàu chở khách đang chạy dọc theo bờ biển. Vụ tai nạn đã cướp đi sinh mạng của khoảng 1.700 người, và hiện nay đây được coi là thảm họa đường sắt lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
QUỐC KHÁNH (theo Topwar)