Tháng 9-2022, trên khu đất gần thành phố Columbus, bang Ohio, “gã khổng lồ” công nghệ Intel cam kết đầu tư ít nhất 20 tỷ USD vào hai nhà máy mới để sản xuất chip. Một tháng sau, hãng sản xuất chip Micron Technology tổ chức lễ khai trương một cơ sở sản xuất mới gần thành phố Syracuse, bang New York. Các động thái này là một phần trong kế hoạch tăng cường sản xuất chip của Mỹ với quy mô được ví như các khoản đầu tư thời Chiến tranh Lạnh vào cuộc đua vũ trụ.

Theo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ, trên khắp đất nước, hơn 35 công ty đã cam kết đầu tư gần 200 tỷ USD cho các dự án sản xuất liên quan đến chip kể từ mùa xuân năm 2020. Số tiền này sẽ được chi ở 16 bang, bao gồm Texas, Arizona và New York cho 23 nhà máy sản xuất chip mới, mở rộng quy mô 9 nhà máy và đầu tư cho các công ty cung cấp thiết bị và vật liệu.

Cùng với việc cung cấp tài trợ cho cơ sở hạ tầng và năng lượng sạch, đây có thể coi là khoản đầu tư lớn nhất của Mỹ vào ngành sản xuất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai, khi Washington chi tiêu vào tàu, đường ống và nhà máy sản xuất nhôm và cao su.

leftcenterrightdel
Chip là bộ phận quan trọng của nhiều thiết bị điện tử. Ảnh: Getty Images

Từ cuối những năm 50 của thế kỷ trước, các công ty Mỹ dẫn đầu về sản xuất chip trên toàn cầu trong nhiều thập kỷ. Tuy nhiên, trong những năm qua, Mỹ đã chứng kiến thị phần chip của mình trên toàn cầu giảm mạnh từ 37% trong năm 1990 xuống chỉ còn 12% vào năm 2020 do các quốc gia ở châu Á đẩy mạnh sản xuất.

Chip được coi là một phần thiết yếu của cuộc sống hiện đại, thậm chí vượt ra ngoài những sáng tạo của ngành công nghệ, từ thiết bị quân sự và ô tô đến đồ dùng nhà bếp và đồ chơi. Do đó, Tổng thống Biden đặc biệt chú trọng tới việc thúc đẩy sản xuất chip nội địa trong chương trình phát triển kinh tế của mình. Điều này không đơn giản chỉ vì các lợi ích kinh tế. Washington muốn tự chủ về chip để tránh gặp bất lợi khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn, đồng thời tránh phụ thuộc vào công nghệ từ nước ngoài. Hồi tháng 8-2022, nhà lãnh đạo Biden đã ký ban hành Đạo luật Khoa học và Chip nhằm tăng cường việc sản xuất chip trong nước và giảm sự phụ thuộc của Mỹ vào các nhà cung cấp nước ngoài. Theo đạo luật này, Mỹ sẽ dành 280 tỷ USD trong 10 năm tới cho lĩnh vực sản xuất chip và nghiên cứu khoa học. Trong đó, 52 tỷ USD dành riêng cho ngành sản xuất chip, 39 tỷ USD được phân bổ cho các ưu đãi trực tiếp nhằm kích thích sản xuất để thúc đẩy việc xây dựng và mở rộng các nhà máy sản xuất. Các quan chức Nhà Trắng lập luận rằng khoản đầu tư lớn vào sản xuất chip sẽ giúp giảm tỷ lệ chip cần mua từ nước ngoài, đồng thời cải thiện an ninh kinh tế của Mỹ.

Các lãnh đạo trong ngành công nghiệp bán dẫn cho biết, việc Mỹ đổ tiền đầu tư cho sản xuất chip có thể chỉ khắc phục phần nào vấn đề. Quá trình xây dựng các nhà máy sản xuất chip mới sẽ diễn ra trong nhiều năm. Ngay cả khi đi vào hoạt động, các cơ sở này cũng có thể sẽ không cung cấp được công nghệ sản xuất tiên tiến nhất. Nhiều công ty có thể trì hoãn hoặc hủy bỏ các dự án nếu không nhận được đủ trợ cấp từ Chính phủ Mỹ.

Bên cạnh đó, tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng về nhân lực có thể gây khó khăn cho ngành công nghiệp bán dẫn xứ cờ hoa. Các nhà máy cần nhiều người lao động hơn số lượng sinh viên tốt nghiệp từ các trường cao đẳng và đại học Mỹ. Theo Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Mỹ, lĩnh vực sản xuất chip bùng nổ dự kiến tạo ra 40.000 vị trí việc làm mới.

Tuy nhiên, không dễ dàng lấp đầy những vị trí này. Bên cạnh đó, các công ty sản xuất chip còn phải cạnh tranh với những ngành công nghiệp khác cũng đang rất cần nhân công. Các lãnh đạo trong ngành công nghiệp bán dẫn muốn chính quyền Mỹ tạo điều kiện cho người lao động nước ngoài có trình độ học vấn cao xin thị thực để làm việc tại Mỹ. Trong khi đó, các quan chức Mỹ cho rằng việc khuyến khích nhập cư hơn nữa có thể dẫn tới nhiều hệ lụy.

LÂM ANH