AP đưa tin, ngày 15-6 tại Brussels (Bỉ) đã diễn ra Hội nghị thượng đỉnh EU-Mỹ với sự tham dự của Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Đây là hội nghị thượng đỉnh giữa hai bên đầu tiên kể từ năm 2014, là chuyến thăm đầu tiên của Tổng thống Mỹ tới các tổ chức của EU kể từ năm 2017, đồng thời nằm trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên kể từ khi ông J.Biden nhậm chức. “Chúng tôi đang có cơ hội tuyệt vời để làm việc với EU... Nước Mỹ đã trở lại”, Tổng thống J.Biden cho biết.

Tuyên bố chung của hai bên nêu rõ hội nghị này nhằm “làm mới” quan hệ đối tác xuyên Đại Tây Dương, thiết lập Chương trình nghị sự chung xuyên Đại Tây Dương cho thời kỳ hậu Covid-19 và cam kết đối thoại thường xuyên.

Từ trái sang phải: Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tại hội nghị. Ảnh: AP. 

Cụ thể, Brussels và Washington nhất trí hợp tác chấm dứt đại dịch, sẵn sàng ứng phó với các thách thức y tế toàn cầu trong tương lai và thúc đẩy sự phục hồi toàn cầu bền vững, trong đó nhấn mạnh việc chấm dứt cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện nay thông qua hợp tác toàn cầu là ưu tiên hàng đầu. Hai bên cam kết thúc đẩy quyền tiếp cận công bằng và giá cả phù hợp cũng như phân phối các loại vaccine ngừa Covid-19 an toàn, hiệu quả; tiếp tục hỗ trợ cơ chế chia sẻ vaccine toàn cầu Covax; khuyến khích thêm nhiều nhà tài trợ sản xuất 2 tỷ liều vaccine cho thế giới vào cuối năm nay.

Bên cạnh đó, tuyên bố chung nhấn mạnh đến cam kết của EU và Mỹ trong thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường hợp tác thương mại, đầu tư và công nghệ, thông qua việc thành lập Hội đồng công nghệ và thương mại cấp cao Mỹ-EU (TTC). Hội nghị cũng cho thấy triển vọng giải quyết các tranh chấp thương mại lâu nay giữa EU và Mỹ, được thể hiện qua việc hai bên đạt được thỏa thuận mang tính lịch sử nhằm chấm dứt cuộc tranh cãi kéo dài suốt 17 năm qua liên quan tới việc bảo trợ cho hai hãng sản xuất máy bay lớn nhất thế giới Airbus và Boeing. Theo Bloomberg, thỏa thuận nói trên đã khép lại một trong những trang xung đột gay gắt nhất trong cuộc chiến thương mại mà cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump phát động trước đây, đồng thời mở ra một giai đoạn hợp tác song phương mới liên quan tới vấn đề chính phủ bảo trợ các tập đoàn lớn.

Các nhà lãnh đạo EU và Mỹ cũng đạt được đồng thuận về bảo vệ “ngôi nhà chung” của loài người và thúc đẩy tăng trưởng xanh. Trong đó, hai bên khẳng định thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu (BĐKH); thành lập một nhóm hành động khí hậu cấp cao để giải quyết vấn đề BĐKH, ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất đa dạng sinh học. Thực tế, khí hậu đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực của chính quyền Tổng thống J.Biden nhằm khôi phục lại sự lãnh đạo của Mỹ trong lĩnh vực vốn từng bị bỏ qua và đánh giá thấp dưới thời của người tiền nhiệm Donald Trump.

Ngoài ra, trong cam kết xây dựng một thế giới dân chủ, hòa bình và an ninh hơn, Brussels và Washington đề cao tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, về quyền lợi biển hợp pháp của các quốc gia, phân định ranh giới biển, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia, nghĩa vụ giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình; quyền tự do hàng hải và hàng không cùng các quyền sử dụng đại dương hợp pháp khác.

Có thể thấy, những cam kết trên chính là cụ thể hóa các tuyên bố của EU và Mỹ trong thời gian qua về việc hướng đến hàn gắn những bất đồng, làm cơ sở để hai bên lấy lại vị thế lãnh đạo và dẫn dắt toàn cầu, đối phó với các thách thức an ninh chung và cấp bách nhất là sớm kiểm soát, chấm dứt đại dịch. Phải đợi thời gian kiểm chứng cho các cam kết của Brussels và Washington, nhưng hai bên đã thể hiện mong muốn tìm kiếm một khởi đầu mới. “Chúng ta là bạn, là đồng minh và rất muốn được hợp tác cùng nhau”, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen khẳng định.

VĂN HIẾU