Động thái này sẽ tăng cường ảnh hưởng của Moscow với tư cách là nhà cung cấp ngũ cốc quan trọng, bảo đảm an ninh lương thực cho các nước thành viên và tác động đến các nhà xuất khẩu phương Tây.

Theo South China Morning Post, Nga dự định thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS, qua đó có thể kích thích thị trường nông sản toàn cầu. Tổng thống Vladimir Putin ủng hộ kế hoạch này nhằm cạnh tranh với hệ thống định giá ngũ cốc do phương Tây thống trị và thách thức đồng USD với tư cách là đồng tiền giao dịch chính của thế giới.

Dữ liệu của Chính phủ Nga cho thấy, bất chấp xung đột với Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga vẫn là nước đóng vai trò chủ chốt trong lĩnh vực nông nghiệp khi cung cấp gần 1/4 thị trường ngũ cốc thế giới. Năm 2023, nước này xuất khẩu lượng nông sản trị giá ít nhất 43,5 tỷ USD. Năm nay. Moscow có kế hoạch xuất khẩu tới 65 triệu tấn ngũ cốc.

leftcenterrightdel

Thu hoạch lúa mì ở vùng Krasnoyarsk, Nga. Ảnh: RIA Novosti 

Sàn giao dịch ngũ cốc BRICS sẽ quy tụ một số nước mua và xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới. Theo Bộ Nông nghiệp Nga, năm ngoái, các nước thành viên BRICS bao gồm: Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi chiếm khoảng 42% sản lượng ngũ cốc toàn cầu (gần 1,2 triệu tấn) và 40% lượng tiêu thụ ngũ cốc toàn cầu. Với sự tham gia của Saudi Arabia, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Iran và Ethiopia vào BRICS trong năm nay, sản lượng ngũ cốc của khối dự kiến sẽ gia tăng đáng kể, lên hơn 1,24 tỷ tấn và lượng tiêu thụ là 1,23 tỷ tấn.

Việc thúc đẩy trao đổi ngũ cốc trong BRICS có thể làm tăng ảnh hưởng địa kinh tế của Moscow đối với các đồng minh, cũng như củng cố vị thế của Nga với tư cách là một trong những nhà cung cấp ngũ cốc và phân bón quan trọng nhất đối với các quốc gia này, tăng cường niềm tin về sự phát triển kinh tế của các nước. Moscow đã tuyên bố ý định thay thế Ukraine trở thành nhà cung cấp ngũ cốc cho các nước có thu nhập thấp và trung bình thấp. Cách tiếp cận này cho phép Nga thể hiện sức mạnh, đồng thời gây ảnh hưởng lên các động lực thương mại lương thực toàn cầu, bao gồm nguồn cung, tính sẵn có, khả năng tiếp cận và giá cả.

Đối với các nước thành viên BRICS, việc trao đổi ngũ cốc có thể làm giảm sự không chắc chắn và giúp bảo đảm nguồn cung ngũ cốc ổn định trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn và mối lo ngại về mất an ninh lương thực ngày càng gia tăng. Nhiều thành viên BRICS là những quốc gia giàu tài nguyên và mặt hàng xuất khẩu chính của họ bao gồm dầu thô (từ Iran và UAE), quặng sắt, đậu nành và đường (từ Brazil), phân bón (từ Nga và Trung Quốc), cà phê và hạt có dầu (từ Ethiopia). Với tài nguyên dồi dào, việc trao đổi ngũ cốc giữa các nước thành viên BRICS có thể thúc đẩy thương mại liên khu vực hoặc đẩy mạnh trao đổi hàng hóa.

Sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia thành viên BRICS có thể khởi đầu cho sự phát triển hạ tầng mạnh mẽ hơn (chẳng hạn như cơ sở lưu trữ) và kết nối. Trong bối cảnh đó, việc trao đổi ngũ cốc của BRICS có thể tăng cường sự liên kết địa chính trị và địa chiến lược giữa các quốc gia tham gia thông qua quan hệ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp và thương mại với Nga.

Các nhà phân tích nhận định, việc thiết lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS có thể khiến các nước xuất khẩu ngũ cốc và phân bón truyền thống như Mỹ, Canada và Australia gia tăng cạnh tranh trong lĩnh vực nông nghiệp. Các nước này cũng có thể phải đối mặt với nhiều khó khăn trong việc duy trì thị phần, đàm phán để có được các điều kiện giao dịch thuận lợi và cạnh tranh với ngũ cốc giá rẻ hơn của Nga.

Đề xuất của Nga về thành lập sàn giao dịch ngũ cốc BRICS có ý nghĩa lớn đối với các nước thành viên trong việc bảo đảm an ninh lương thực. Trong khi đó, đây là lời cảnh tỉnh đối với các nhà xuất khẩu ngũ cốc truyền thống như Australia và Mỹ. Các nước này cần đánh giá lại các chính sách và chiến lược quốc gia để điều hướng tốt hơn trong bối cảnh thương mại quốc tế đang thay đổi và năng lực cạnh tranh của BRICS ngày càng gia tăng.

LÂM ANH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc tế xem các tin, bài liên quan.