Bởi nếu liên minh của ông không thể giành đa số tuyệt đối trong Quốc hội, tổng thống sẽ khó có thể thực hiện chương trình nghị sự mà ông từng cam kết.

Cuộc bầu cử diễn ra theo hai vòng, theo đó 6.293 ứng cử viên sẽ cạnh tranh tại vòng một, diễn ra ngày 12-6, để giành quyền vào vòng hai được tổ chức ngày 19-6.

Theo danh sách tranh cử đã được thông qua, cuộc bầu cử lần này là sự cạnh tranh quyết liệt giữa 5 lực lượng chính trị lớn của nước Pháp, bao gồm các đảng phái từng gây nhiều bất ngờ trong hai vòng bầu cử tổng thống vừa qua.

Người dân Pháp bỏ phiếu vòng 1 cuộc bầu cử quốc hội. Ảnh: Reuters 

Phe đa số ủng hộ Tổng thống Macron được liên minh dưới tên gọi "Chung sức!" (Ensemble) sẽ cạnh tranh với các ứng cử viên thuộc Đảng Tập hợp quốc gia của bà Marine Le Pen; liên minh cánh tả Nupes của ông Jean-Luc Mélenchon; Đảng Những người Cộng hòa và các đồng minh cánh hữu của ông Christian Jacob và Đảng Tái chinh phục theo đường lối cực hữu của chính trị gia Eric Zemmour.

Cuộc bầu cử Quốc hội Pháp năm nay thu hút sự chú ý đặc biệt và được nhiều chuyên gia đánh giá như là “vòng 3 cuộc bầu cử tổng thống”. Lý do là bởi cuộc bầu cử này sẽ quyết định màu sắc chính trị của Quốc hội Pháp trong những năm tới.

Sau khi tái đắc cử, mục tiêu của Tổng thống Macron là giành được đa số tuyệt đối trong Quốc hội, tức là tối thiểu phải giành được 289 ghế, để có thể dễ dàng thực thi các dự án cải cách của ông. Tuy nhiên, các thăm dò dư luận được tiến hành trước bầu cử vòng một cho thấy Tổng thống Pháp không dễ đạt được mục tiêu này.

Theo kết quả khảo sát mới nhất của Viện Ipsos-Sopra Steria, liên minh "Chung sức!" gồm các đảng ủng hộ Tổng thống Macron có thể giành được 28% số phiếu bầu tại vòng một so với 27% của liên minh Nupes. Các khảo sát khác cho thấy hai lực lượng dẫn đầu, gồm phe ủng hộ Tổng thống Macron và liên minh cánh tả Nupes, đều giành được số phiếu xấp xỉ nhau, có nghĩa là giả thuyết Tổng thống Macron không đạt được đa số phiếu tuyệt đối có thể xảy ra.

Trong trường hợp liên minh cánh tả chiến thắng, ông Macron có thể sẽ buộc phải chấp nhận chung sống chính trị, tức việc chỉ định một nhân vật cánh tả đối lập làm thủ tướng. Ý tưởng này đã và đang được ông Jean-Luc Mélenchon, người công khai bày tỏ tham vọng trở thành Thủ tướng Pháp, vận động quyết liệt trong suốt thời gian qua.

Cuộc bầu cử Quốc hội Pháp diễn ra trong bối cảnh tình hình kinh tế-xã hội Pháp ngày càng khó khăn do lạm phát tăng cao, chi phí cuộc sống đắt đỏ. Đây cũng là một nguyên nhân khiến cuộc bầu cử lần này trở thành thách thức khó vượt qua với Tổng thống Macron. Cử tri Pháp ngày càng bất mãn trước sự leo thang của giá nhiên liệu và thực phẩm, khiến lạm phát liên tục lập kỷ lục.

Ông Macron cũng được cho là mất quá nhiều thời gian để lập ra chính phủ mới khiến các cam kết đưa ra trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 4 vừa qua, nhất là về các vấn đề nóng như cải thiện sức mua hay cải cách hưu trí, vẫn chỉ là những lời hứa hẹn.  

Trong khi đó, lực lượng đối lập chính là liên minh cánh tả Nupes tăng cường khai thác các điểm yếu trên của ông Macron và đã có những bước tiến đáng kể. Tại vòng 1 bầu cử Quốc hội Pháp tại hải ngoại cách đây hơn 1 tuần, liên minh này đã có các ứng cử viên lọt vào vòng 2 tại 10/11 khu vực bầu cử. 

Trên thực tế, cục diện chính trường Pháp đang cho thấy sự chia rẽ sâu sắc kể từ cuộc bầu cử Tổng thống Pháp cách đây 2 tháng. Một số học giả chính trị Pháp có chung nhận định rằng, hiện nay, có tới 3 nước Pháp trong một nước Pháp, bởi các phe chính trị phân cực khá sâu sắc.

Thực tế này cũng khiến ông Macron sẽ chịu nhiều áp lực đốc thúc phải thực hiện các cuộc cải cách đã bị trì hoãn trong nhiệm kỳ đầu tiên, đồng thời phải đương đầu trước những thách thức từ sự chia rẽ khá lớn trong nội bộ đất nước.

HÀ LAN