Kế hoạch tham vọng

Theo thông báo do EP công bố, làm tốt công tác xử lý rác thải có thể giúp cải thiện sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường, cũng như hỗ trợ các nước châu Âu trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Các dự luật vừa được thông qua là những bước đi hướng tới việc đưa EU trở thành một nền kinh tế tuần hoàn. Hay nói cách khác là một hệ thống trong đó các hoạt động tái chế, tái sử dụng và tái sản xuất được tận dụng để kéo dài tuổi thọ, cũng như giá trị sử dụng của vật chất. Do đó, chúng sẽ giúp bảo tồn và tận dụng được các nguồn nguyên vật liệu và tài nguyên thiên nhiên.

Để làm được điều này, các quy định mới sẽ bảo đảm tỷ lệ tái chế rác thải đô thị từ các hộ gia đình và cơ sở kinh doanh phải đạt tối thiểu 55% vào năm 2025, sau đó tăng dần lên 60% đến năm 2030 và 65% vào năm 2035 và 70% vào năm 2040. Các vật liệu dùng để gói hàng hóa cũng sẽ phải đạt tỷ lệ tái chế 65% vào năm 2025 và 70% vào năm 2030, với mỗi loại vật liệu (như giấy, bìa cứng, nhựa, thủy tinh, kim loại và gỗ) sẽ có chỉ tiêu riêng biệt.

Trái với một số nước châu Âu, Thụy Điển thậm chí còn nhập khẩu rác để có đủ nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động. Ảnh: sweden.se.

Một mục tiêu quan trọng của dự luật trên là việc giới hạn tối đa chỉ 10% lượng rác thải đô thị được chôn lấp trong các bãi rác vào năm 2035. Ngoài ra, tương tự với những mục tiêu phát triển bền vững do Liên hợp quốc (LHQ) đề ra, gói dự luật mới của EU cũng yêu cầu các thành viên của khối này giảm 30% lượng rác thải thực phẩm vào năm 2025 và giảm 50% vào năm 2030. Gói luật thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại châu Âu trên đây sẽ được trình lên EC để được thông qua trước khi chính thức có hiệu lực.

Theo số liệu của EC, các nước trong EU đã thải ra khoảng 2,5 tỷ tấn rác trong năm 2014, trong đó rác thải hộ gia đình chiếm 8%. Việc áp một mức chuẩn cho tất cả thành viên là mục tiêu khá tham vọng đã được EU chuẩn bị và lên kế hoạch từ cách đây vài năm. Tuy nhiên, gói dự luật vừa được thông qua vẫn được đánh giá là một kế hoạch không dễ thực hiện khi hoạt động tái chế rác thải tại các nước trong liên minh hiện có sự cách biệt rất lớn. Trong khi chỉ có 8% rác thải sinh hoạt được tái chế ở Malta thì con số này tại Đức lại lên tới 66%. Áo, Bỉ, Đan Mạch, Hà Lan, Phần Lan và Thụy Điển cũng là các quốc gia hầu như không lãng phí rác thải. Thế nhưng Cyprus, Croatia, Hy Lạp và Latvia vẫn chôn lấp hơn 75% lượng rác thải đô thị.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, nhìn chung, tại châu Âu hoạt động tái chế rác thải đang ngày càng được tăng cường. Lấy ví dụ, các nước Tây Âu đã tái chế 55,6% số bao bì sử dụng trong năm 2004 và con số này tăng lên 67,8% vào năm 2013.

Thụy Điển-quốc gia đi đầu

Trong số các quốc gia châu Âu, Thụy Điển là một điểm sáng, quốc gia đi đầu trong xử lý rác thải, bảo vệ môi trường. Ở Thụy Điển, chuyện mỗi hộ gia đình có đến 6-7 loại thùng rác trong nhà để phân loại rác từ nguồn là điều khá bình thường. Ngoài chuyện bảo vệ môi trường có sự phối hợp từ ý thức của người dân, công nghệ xử lý rác thải hiện đại và hiệu quả cũng là điểm đáng chú ý của quốc gia Bắc Âu này. Hệ thống đã giúp cho Thụy Điển trở thành nước đầu tiên trên thế giới tái chế được đến 99% lượng rác thải của mình. Chỉ có 1% rác từ các hộ gia đình bị thải ra môi trường.

Tại Malmo, thành phố lớn thứ 3 Thụy Điển, đến 60% lượng điện tiêu thụ và nhiệt cung cấp cho hệ thống sưởi tại đây đang được cung cấp từ một nhà máy tái chế rác thải. Công ty xử lý rác thải Sysav được quản lý bởi 16 thành phố phía Nam Thụy Điển, xử lý rác thải trong khu vực và cũng cung cấp nhiên liệu cho chính các thành phố này.

Công nghệ này phát triển đến mức Thụy Điển đang phải nhập khẩu rác từ các nước khác để có đủ nguyên liệu cho các nhà máy hoạt động. Các xà lan chở rác vẫn cập cảng Malmo hằng tuần. Rác đến từ Anh và nhiều nước châu Âu khác. 55% rác được đốt trở thành nguồn cung cấp điện và khí sưởi, phần còn lại tái chế thành nguyên vật liệu mới hoặc thành phân bón sinh học, khí sinh học.

Nhờ máy móc tự động, cả hệ thống vận hành không cần nhiều nhân công. Bên cạnh đó, công việc cũng đơn giản hơn nhiều khi bản thân mỗi người dân đã hình thành thói quen phân loại rác từ nguồn. Việc tiếp tục nâng cao nhận thức của cộng đồng liên quan đến các vấn đề rác thải và bảo vệ môi trường cũng là công việc mà các doanh nghiệp xử lý rác thải thường xuyên phối hợp thực hiện cùng các thành phố.

Xử lý rác đã không chỉ giúp bảo vệ môi trường cho Thụy Điển mà nó còn được coi là một ngành kinh tế ở đây với sự tham gia của gần 100 doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Trong khi xử lý rác thải vẫn là chuyện đau đầu với nhiều quốc gia khác ở châu Âu, có lẽ kinh nghiệm từ Thụy Điển sẽ là điều các thành viên EU cần cân nhắc và rút ra bài học cho riêng mình.

HÙNG HÀ