Theo người đứng đầu Liên hợp quốc (LHQ) cuộc chiến giữa quân đội Sudan và lực lượng RSF có khả năng gây bất ổn cho toàn bộ khu vực.

Tổng thư ký LHQ António Guterres cảnh báo Sudan đang trên bờ vực của một "cuộc nội chiến toàn diện". Ảnh: AP 

Nguyên nhân giao tranh

Cuộc giao tranh bùng nổ từ giữa tháng 4, 18 tháng sau khi Tướng Abdel-Fattah Burhan, chỉ huy SAF và Tướng Mohammed Hamdan Dagalo, chỉ huy RSF cùng tiến hành một cuộc đảo chính quân sự (tháng 10-2021) lật đổ chính phủ chuyển tiếp dân sự do phương Tây hậu thuẫn. Cuộc đảo chính và xung đột sau đó đã dập tắt hy vọng về một sự chuyển đổi hòa bình sang chính quyền dân sự. Căng thẳng giữa hai tướng ngày một gia tăng khi họ không đạt được sự đồng thuận về phân quyền và chưa có dấu hiệu cho thấy họ sẽ lùi bước trước đối phương.

Các cuộc đụng độ đã cướp đi sinh mạng của hơn 3.000 người và làm bị thương hơn 6.000 người khác, theo số liệu đưa ra hồi tháng trước của Bộ trưởng Y tế Sudan Haitham Mohammed Ibrahim. Tuy nhiên, số người chết có khả năng cao hơn nhiều. Theo số liệu của LHQ, hơn 2,9 triệu người đã buộc phải rời bỏ nhà cửa đi sơ tán đến các khu vực an toàn hơn trong nước, khoảng 700.000 người chạy sang các nước láng giềng, trong đó có Chad. Cao ủy LHQ về người tị nạn (UNHCR) cho biết tính đến cuối tháng 6, tổng cộng 36.423 người tị nạn đã được chuyển đến 6 trại hiện có ở Chad và hai trại mới thành lập. UNHCR cho biết họ đang chuẩn bị cho khả năng có thể có tới 245.000 người tị nạn vào cuối năm nay do bạo lực đang diễn ra.

Đáng chú ý là theo Tổ chức di cư quốc tế (IOM) của LHQ, hiện có tới 25 triệu người Sudan cần được bảo vệ và viện trợ nhân đạo, nhiều cư dân bị giết hại, phụ nữ và trẻ em gái bị hãm hiếp, tài sản bị cướp phá và thiêu rụi. 

Quang cảnh đường phố phía Nam Khartoum ngày 2-5-2023. Ảnh: Getty Images 

Diễn biến mới nhất

Ngay đầu giờ sáng Chủ nhật vừa qua, giao tranh ác liệt đã diễn ra ở phía Nam thủ đô Khartoum. Abdalla al-Fatih, một cư dân cho biết, các phe tham chiến đã sử dụng vũ khí hạng nặng trong các trận chiến ở khu phố Kalaka và máy bay quân đội bay lượn vòng ở khu vực này.

Trước đó, hôm thứ Bảy, ít nhất 22 người đã thiệt mạng trong một cuộc không kích ở Omdurman, thành phố ở phía Tây Bắc Khartoum. Vụ không kích này là một trong những vụ đụng độ nguy hiểm nhất kể từ khi xung đột bắt đầu.

RSF đổ lỗi cho quân đội Sudan về vụ tấn công ở Omdurman, trong khi phía quân đội phủ nhận cáo buộc, nhấn mạnh rằng lực lượng không quân của họ đã không thực hiện bất kỳ cuộc không kích nào trong thành phố hôm đó.

Ngoài vụ không kích nói trên, Tổng thư ký LHQ cũng lên án bạo lực quy mô lớn và thương vong ở khu vực Tây Darfur, nơi chứng kiến một số cuộc giao tranh tồi tệ nhất trong cuộc xung đột đang diễn ra. Người đứng đầu LHQ nhấn mạnh sự coi thường luật nhân đạo và nhân quyền ở đây và cho rằng “điều đó thật nguy hiểm và đáng lo ngại”.

Ngoài Khartoum, đụng độ giữa quân đội và RSF còn xảy ra ở Bắc Kordofan, Nam Kordofan và Blue Nile.

Darfur lại đối mặt với nạn diệt chủng?

Theo The Globe and Mail, các quan chức khác của LHQ cho rằng bạo lực trong khu vực gần đây đã mang khía cạnh sắc tộc. Theo đó, RSF và lực lượng dân quân Arab đang cố nhắm vào các bộ lạc không phải người Arab ở Darfur, một khu vực rộng lớn bao gồm năm bang ở Sudan. Tháng trước, Thống đốc Darfur Mini Arko Minawi cho biết nạn diệt chủng diễn ra 2 thập kỷ trước đang quay trở lại khu vực này.

The Economist thì cho biết, những kẻ tấn công bao vây thành phố, đốt cháy khu chợ chính và ngăn người dân tiếp cận thực phẩm và vật tư y tế. Tất cả những thứ cần thiết để người dân Tây Darfur tồn tại như bệnh viện, trường học, điện và viễn thông cũng dần bị phá hủy.

UNHCR cho biết, số người Sudan đi tị nạn có thể lên tới 245.000 vào cuối năm nay. Ảnh: New York Times

Ngày 15-6, một ngày sau khi kêu gọi sự can thiệp của nước ngoài để ngăn chặn điều mà ông gọi là “một cuộc diệt chủng” ở Darfur, Thống đốc bang Tây Darfur Khamis Abakar đã đã bị sát hại. 48 giờ sau đó, hàng nghìn thường dân thành phố el-Geneina thuộc Tây Darfur đã bỏ chạy hoặc bị giết. Khi các nhân viên cứu trợ đến đây, thành phố như một thị trấn ma.

Người dân el-Geneina kể lại, dân quân Arab có vũ trang đã đi đến từng nhà và thanh niên bị bắn chết ngay tại chỗ. Trên đường chốn chạy sang Chad, người dân bị cướp hoặc bị bắn chết bởi chính lực lượng dân quân này.

Cuộc chiến diễn ra ác liệt và kéo dài suốt 20 năm qua ở Darfur bắt đầu vào năm 2003 bằng một cuộc nổi dậy vũ trang của các bộ lạc châu Phi chống lại chính quyền Omar al-Bashir. Đáp lại, Omar al-Bashir cung cấp vũ khí cho những người chăn nuôi gia súc Arab và cuộc chiến đẫm máu ở Darfur bắt đầu diễn ra. Năm 2010, Omar al-Bashir bị Tòa án hình sự quốc tế (ICC) truy tố về tội diệt chủng. Cuộc chiến ở Dafur những năm 2000 được mệnh danh là cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 21. Trong 5 năm đầu tiên của cuộc xung đột, khoảng 300.000 người có thể đã bị giết hại và khoảng 2,7 triệu người phải đi lánh nạn.

Có mặt tại el-Geneina vào cuối tháng 6, Justine Muzik thuộc Solidarités International, một tổ chức từ thiện có trụ sở tại Pháp, cho biết cuộc chiến ở Darfur là “cuộc chiến tồi tệ nhất mà tôi từng chứng kiến trong 20 năm làm nhân viên cứu trợ”. Volker Perthes, Đại diện đặc biệt của LHQ tại Sudan, mô tả cuộc chiến ở Darfur là "thanh trừng sắc tộc ở quy mô lớn".

Theo lời của một nhân viên LHQ, hiện nay những kẻ tấn công đang sử dụng kỹ, chiến thuật giống như đầu những năm 2000. Điều khác biệt ở đây là thay vì cưỡi ngựa và trang bị vũ khí hạng nhẹ, họ “ngồi trên xe bán tải, di chuyển rất nhanh, và sử dụng các loại vũ khí chết người”.

Bà Muzik nhận xét, “cơn ác mộng kéo dài của Darfur và Sudan sẽ còn lâu mới có hồi kết”.

Nỗ lực tìm giải pháp hòa bình vẫn tiếp tục

Xung đột ở Sudan đã đặt các nước láng giềng buộc phải hành động. Ai Cập cho biết họ sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh vào thứ 5 tuần này với sự tham gia của các nước láng giềng của Sudan. Theo Ahmed Fahmy, phát ngôn viên phủ Tổng thống Ai Cập, cuộc họp nhằm mục đích thiết lập "các cơ chế hiệu quả" để giúp tìm ra giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột, cùng với các nỗ lực quốc tế, tuy nhiên không cung cấp thêm thông tin chi tiết về cuộc họp.

Nỗ lực này diễn ra khi các cuộc đàm phán giữa các phe tham chiến của Sudan ở thành phố ven biển Jeddah của Saudi Arabia liên tục thất bại.  

MAI HƯƠNG (tổng hợp)