Dân tộc Mông là một trong 50 dân tộc ở Lào, được xếp vào nhóm ngôn ngữ Mông-Eumian, có lịch sử lâu đời tương tự như các dân tộc khác. Dân tộc Mông có ngôn ngữ viết riêng, ngôn ngữ nói hơi khác nhau nhưng họ có thể hiểu nhau, có những phong tục, tập quán, tín ngưỡng, văn hóa riêng mà họ đã để lại cho các con, cháu cho đến ngày nay.

Lễ hội Kin Chiang (hay Nu Pejao) của bộ tộc Mông nhằm ôn lại công việc sản xuất trong một năm cũng như nhằm khôi phục và tuyên truyền những truyền thống, văn hóa tốt đẹp của họ, tri ân các bậc tiền bối, cha, mẹ và các vị lãnh đạo của dân tộc, là dịp gặp gỡ họ hàng gần xa đến thăm hỏi, tạo sự đoàn kết và quý trọng lẫn nhau.

Thanh niên người Mông chơi ném còn tại lễ hội.

Bun Kin Chieng chia ra làm 3 giai đoạn, cụ thể: Giai đoạn 1, người chủ gia đình sẽ là người xóa bỏ những điều không tốt, nghèo đói trong gia đình và gửi những lời chúc cuối năm cũ đón năm mới vào thời điểm năm mới. Giai đoạn 2, là giai đoạn người chủ gia đình đến gọi (Khuan) cho mỗi thành viên trong gia đình hãy ngoan cường, loại bỏ những điều không tốt trong gia đình và đem lại sự đoàn kết trong gia đình hay còn gọi là Chieng gà. Giai đoạn 3, là giai đoạn gặp gỡ vui vẻ với người lớn tuổi, vui chơi giữa bạn bè, bạn gái, bạn trai bằng ném còn, để gắn kết tình đoàn kết, tình yêu thương với nhau. Đồng thời, còn có chương trình biểu diễn nghệ thuật và các môn thể thao độc đáo của người Mông như kéo cò, thổi tẩu, thổi khèn, chọi bò, đánh tulu, bắn nỏ…

Xiêng Khoảng là tỉnh tập trung nhiều cộng đồng dân tộc Mông, là nơi diễn ra nhiều lễ hội văn hóa truyền thống, trong đó Bun Kin Chieng là một trong những lễ hội lớn nhất.

Biểu diễn khèn Mông trên dây.

Xiêng Khoảng là một tỉnh nằm ở phía Bắc Lào, di chuyển bằng xe ô tô cách thủ đô Viêng Chăn khoảng 400km. Đến với Xiêng Khoảng, chúng ta sẽ nghĩ ngay đến Cánh đồng chum, đây là khu vực văn hóa lịch sử nổi tiếng mà bất kỳ một ai khi đến Lào cũng đều muốn ghé thăm. Xung quanh những chiếc chum là vô vàn những câu chuyện huyền thoại ly kỳ và hiện nay vẫn chưa có một lời giải thích nào làm thỏa mãn những tò mò của mọi người. Hay bạn có thể trải nghiệm leo núi Phu Bia - đỉnh núi cao nhất tại Lào. Mường Khăm - Xiêng Khoảng còn được người ta biết đến với hai suối nước khoáng nóng là Bò Nọi (suối nhỏ) và Bò Nhay (suối lớn), nóng tới 60 độ C.

Khi đến tham quan Xiêng Khoảng, bạn sẽ được thưởng thức nhiều đặc sản nổi tiếng như nấm, bún, miến, gạo nếp, mật ong rừng, thịt bò… Tất cả món ăn ở Xiêng Khoảng đều được xếp vào hàng ngon nhất bởi sự khéo tay có tiếng của người dân địa phương.

Bun Kin Chieng là dịp Tết truyền thống của cộng đồng dân tộc Mông tại Lào, diễn ra đồng loạt từ cuối tháng 12 đến sau Tết dương lịch hằng năm ở những khu vực có đông người Mông sinh sống. Đây là dịp để người Mông nghỉ ngơi, vui chơi sau khi kết thúc vụ mùa. Những ngày này, phụ nữ Mông diện những bộ váy áo sặc sỡ, xập xòe trong nắng ấm. Còn trai Mông thì đơn giản hơn với áo chàm, quần đen ống xòe rộng, dây thắt lưng vải viền hoa văn, với những hàng khuy nhiều màu sắc do đôi tay khéo léo của mẹ và chị gái khâu cho cùng chiếc khăn len trên cổ đi chơi hội.

Năm nay, Bun Kin Chieng tại tỉnh Xieng Khoảng sẽ được tổ chức 4 ngày lễ chính diễn ra từ ngày 10 đến 13-1-2024. Trong ngày lễ, sẽ diễn ra nhiều hoạt động vui chơi, kết nối, giao lưu giữa anh em người Mông tham gia lễ hội, cũng như các vị khách đến để khám phá, trải nghiệm lễ hội này. Bun Kin Chieng của cộng đồng người Mông ở Lào còn có nhiều trò chơi truyền thống như đánh tu lu, đánh quay, đánh cầu lông gà, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy, ném còn, thi biểu diễn khèn Mông... Đây còn là dịp để trai gái Mông đi tìm người yêu qua trò chơi ném còn, ném pao.

SỔM PHON